Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Thưởng Tết tăng do… đồng nghiệp nghỉ việc

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi các bậc học có thể linh hoạt từ nhiều nguồn tiết kiệm, phát triển nguồn quỹ bằng nhiều hoạt động để kết dư thưởng Tết cho giáo viên thì hầu hết ở các trường mầm non, nguồn tiết kiệm chính nhờ nguồn lương của… giáo viên nghỉ việc.
Trường mầm non 19/5 (Q.8, TPHCM) năm nay có mức thưởng Tết cao nhất là 5 triệu đồng từ tiền kết dư cuối năm. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng nhà trường thì ngoài việc tính toán chi tiêu sao cho hợp lý thì thực tế nguồn tiết kiệm lớn nhất vẫn là nhờ… giáo viên (GV) nghỉ việc.
Bà Dung cho biết mức thưởng này so với khối mầm non nhìn ngoài có vẻ “khấm khá”, có cao hơn mọi năm chút ít nhưng thật ra là không tăng mà còn bị giảm khi vật giá leo thang.
Tiền hỗ trợ GV mầm non cuối năm chủ yếu nhờ vào tiết kiệm và quỹ lương GV của trường nghỉ việc.
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó phòng giáo dục Q. 8 cho hay ít nhiều GV mầm non trên địa bàn đều có khoản tiền cuối năm dao động 1 – 5 triệu đồng trích từ nguồn tiết kiệm cũng như quỹ lương của trường.

“Gọi tiền thưởng Tết là không chính xác vì thưởng Tết phải là hoạt động sinh lời của cải vật chất. Còn đây là tiền tiết kiệm chi tiêu, nguồn tiền từ sử dụng lao động để chia GV, công nhân viên vào dịp cuối năm”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Hiệu trưởng nhiều trường mầm non cho hay, tiền kết dư cuối năm chủ yếu dựa vào quỹ lương nhân sự khi GV nghỉ việc. Vì hiện nay, ngân sách dành cho ngành mầm non quá thấp, chủ yếu để dành chi lương cho GV. Còn các hoạt động khác chỉ chờ vào các khoản thu theo quy định. Tuy nhiên, các khoản thu đều quá lỗi thời, duy trì từ hơn chục năm trước nên gần như không đủ chi chứ chưa nói đến việc tiết kiệm.
Các bậc học khác, đặc biệt là bậc THPT, nguồn nhân sách được ưu tiên hơn mà còn nhiều hoạt động có thể phát triển quỹ như trông xe, căng tin, trung tâm bồi dưỡng văn hóa… thì ở bậc mầm non những hoạt động “làm thêm” gần như không tồn tại. Năm nay, một số trường ở THPT ở TPHCM có tiền chia cuối năm lên đến 30 triệu đồng/người, khoảng cách rất lớn so với các bậc học khác. Các trường này tế nhị không thông tin mức thưởng để tránh sự so sánh, gây buồn lòng cho anh em trong ngành.
Công việc áp lực, thu nhập thấp, mầm non là ngành học được xem có nhiều GV nghỉ việc nhất, các trường luôn trong tình trạng thiếu GV nên ngân sách chỉ dư ra ở quỹ lương. Thế nên mới có chuyện trường nào nhiều GV nghỉ việc thì có thưởng Tết cao hơn, trường nào GV gắn bó thì khoản tiền thu nhập tăng thêm bị giảm đi.
Bà Vũ Thị Thu Hà, hiệu trưởng trường mầm non Bến Thành (Q.1, TPHCM) cho hay, ngoài khoản tiền hỗ trợ của thành phố (900.000 đồng/người), năm nay mức thưởng cuối năm của trường có thể lo cho GV chỉ mức bình quân 1 triệu đồng/người.
Nguồn chi này là tiền tiết kiệm chi tiêu của nhà trường từ ngân sách nhưng do nguồn ngân sách thấp, các khoản khác gần như trường không thể tiết kiệm mà chỉ có khoản chính là nhờ vào tiền… GV nghỉ việc.
“Lương GV của trường khá tốt (4 – 5 triệu đồng/người/tháng) nên rất ít GV nghỉ việc. Thành ra, tiền tiết kiệm quỹ lương của trường không nhiều như một số trường khác nên tiền chi thu nhập thêm cho GV không nhiều”, bà Hà nói.
Nhiều GV chia sẻ gọi là tiền thưởng Tết như một cách để an ủi vì thật ra đó là nguồn tiền… làm thêm thì chính xác hơn. Vì khi GV nghỉ việc, thiếu người thì những GV còn lại sẽ quá tải công việc.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Phó phòng Giáo dục Q.3) cho hay, nói đến việc thưởng Tết GV bậc mầm non mà không khỏi buồn lòng vì… từ nguồn tiền đồng nghiệp nghỉ việc mới có.
Bà Nguyệt đánh giá, năm nay thành phố thưởng Tết cho GV, công nhân viên toàn ngành 900.000 đồng/người, cao hơn mọi năm là nguồn hỗ trợ rất lớn cho GV mầm non. Về phía quận 3 cũng có nguồn hỗ trợ riêng cho GV, công nhân viên trong ngành trên địa bàn, đặc biệt nắm bắt được khó khăn của ngành mầm non nên quận ưu ái hơn các bậc khác khi hỗ trợ 500.000 đồng/người.
Tuy nhiên, theo bà Nguyệt các GV, cấp dưỡng hợp đồng với trường vẫn đang rất thiệt thòi vì không nhận được các khoản hỗ trợ. Nhiều đơn vị cũng xoay xở để chăm lo cho bộ phận này nhưng chủ yếu mang tính động viên tinh thần, chia sẻ là chính.

Theo Hoài Nam (Dân Trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)