Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thương tiếc Nhà văn Sơn Nam: Vĩnh biệt “ông già ham vui”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Sơn Nam. Ảnh: L.ĐiềnThế là chẳng bao giờ còn gặp anh nữa, còn được nghe anh nói những chuyện buồn vui, một đời người như thế cũng đã là quá đủ trong cả vinh quang lẫn cơ cực và chắc chắn anh cũng chẳng còn gì luyến tiếc ở trần gian này

Có rất nhiều tên gọi mà đồng nghiệp và bạn đọc đã ưu ái gán cho tác giả Hương rừng Cà Mau mang đầy tính cách quý mến: Nhà văn Sơn Nam, nhà Nam Bộ học, ông già đi bộ… Nhưng với tôi, cái biệt hiệu mà tôi yêu thích nhất là “ông già ham vui”, bởi lẽ nó phản ánh đúng tâm hồn “ngoan đồng” của ông cho dù đã ở tuổi bát tuần.

Quả thật là hiếm hoi ở thời buổi này đối với một người cầm bút tiếng tăm lừng lẫy nhưng lại có một đời sống đơn sơ, bình dị và đầy lạc quan như Sơn Nam, ngay cả những lúc khốn quẫn trong vòng cơm áo và bệnh tật. Chẳng có triết lý nào ghê gớm cho tính cách đặc biệt này mà theo lời ông thì nghèo quá nên phải đơn sơ, bình dị riết rồi thành quen, cũng như chịu đựng mãi cũng thành chịu chơi!

Văn tài của Sơn Nam thì khỏi phải nói, nó được thể hiện trong nhiều tác phẩm mà ông đã suốt một đời miệt mài với chữ nghĩa. Có lần tôi hỏi ông:

– Làm nhà văn như anh thì sướng hay khổ?

Ông nói ngay như câu trả lời đã có sẵn trong đầu từ lâu.

– Khổ nhưng vinh quang.

Tôi lại hỏi:

– Vậy nếu được đi lại từ đầu và được quyền chọn lựa, anh sẽ chọn làm người như thế nào?

Ông móm mém cười, cái cười vừa hồn nhiên vừa chua chát:

– Tao vẫn chọn làm nhà văn nhưng sẽ cố tránh cái nghèo đeo đẳng, cái nghèo tuy không phải là cái tội nhưng là cái khổ, cái nhục chú em ơi!

Nghe anh nói, tôi thấy buồn và thương anh lắm. Hai năm trước đây, anh lâm bạo bệnh phải vào điều trị dài ngày trong bệnh viện. Người thân của anh điện thoại báo cho tôi ngay. Sau đó, tôi có một bài viết về hoàn cảnh túng thiếu của anh trên Báo Thanh Niên, nhiều đoàn thể và bạn đọc yêu quý anh đã nhiệt tình giúp đỡ anh qua cơn hoạn nạn. Một buổi trưa nằm trên giường bệnh, anh nắm tay tôi thều thào:

– Tao mắc nợ cuộc đời nhiều quá.

Tôi an ủi anh bằng những lời chân thật từ suy nghĩ của mình:

– Anh Sơn Nam ơi, cuộc đời nợ anh nhiều hơn anh nợ cuộc đời…

Kế đó là những tháng ngày lê thê anh nằm một chỗ, gần như liệt giường tại nhà sau khi xuất viện. Thế là ông già đi bộ không còn đi bộ. Một lần tôi đến thăm, ngồi bên cạnh nghe giọng anh đã yếu và mệt mỏi lắm, anh nói:

– Tao muốn về thăm U Minh một chuyến nhưng chắc là không còn kịp nữa, quê hương núm ruột ai mà không nhớ, càng già nỗi nhớ càng căng, dưới đó dạo này chắc cũng đổi thay nhiều lắm!

Tôi nghĩ tình quê thật linh thiêng, càng về già thì nỗi hoài hương càng thêm canh cánh.

Cách nay hơn tuần lễ, anh lại nhập viện, nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Chẳng hiểu vì sao gia đình anh lại chọn tôi là người đầu tiên để gọi điện thông báo. Tôi lập tức chạy đến nơi thì thấy anh đang thoi thóp thở bằng ống dưỡng khí, trên người chằng chịt những ống nhựa, những dải băng. Tôi nắm tay anh, anh mở mắt, đôi mắt không còn tinh anh như thuở nào mà đã có vẻ lạc thần. Anh lờ mờ nhìn tôi, mấp máy đôi môi như muốn nói một điều gì nhưng không nói được. Bác sĩ cho biết anh bị suy thận, suy tim nhưng quan trọng nhất là lá phổi bên phải bị viêm nặng, dường như chẳng còn gì. Và rồi hôm nay, vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 13-8-2008, anh Sơn Nam đã trút hơi thở cuối cùng.

Anh Sơn Nam ơi, 83 tuổi cho một đời người đã là quá trường thọ, nhưng dẫu thân xác anh có về với cát bụi thì tên tuổi anh vẫn còn mãi trong lòng người đọc hôm nay và mai sau. Đó chính là cái vinh quang mà anh từng nói.

Thế là chẳng bao giờ còn gặp anh nữa, còn được nghe anh nói những chuyện buồn vui, một đời người như thế cũng đã là quá đủ trong cả vinh quang lẫn cơ cực và chắc chắn anh cũng chẳng còn gì luyến tiếc ở trần gian này.

Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam, vĩnh biệt “ông già ham vui”.

Đậm dấu ấn đặc trưng Nam Bộ

Sau thời gian chống chọi với cơn bạo bệnh, nhà văn Sơn Nam vừa qua đời vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 13-8 (hưởng thọ 83 tuổi). Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ sáng nay (14-8) tại Nhà Tang lễ TPHCM. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 16-8, thi hài nhà văn sẽ được đưa đi an táng tại nghĩa trang Bình Dương.

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, sinh năm 1926 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác văn nghệ tại Khu 9. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của nhà văn Sơn Nam là tập thơ Lúa reo (do Hội Văn hóa kháng chiến Kiên Giang xuất bản năm 1948). Năm 1951-1952, ông giành giải nhất trong cuộc thi do Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Nam Bộ tổ chức với hai truyện ngắn Bên rừng Cù Lao Dung và Tây đầu đỏ. Năm 1962, tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau được xuất bản. Đây là tác phẩm được xếp ở vị trí cao trong số những tác phẩm văn học đặc sắc nhất của Nam Bộ.

Ngoài truyện dã sử, truyện ngắn, nhà văn Sơn Nam còn thành công cả ở những công trình biên khảo có hệ thống như: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh miệt vườn Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Nghi thức lễ bái của người Việt, Người Việt có dân tộc tính không… Đây cũng là những đề tài mà ông đeo đuổi suốt sự nghiệp. Năm 2006, ông xuất bản 3 tác phẩm: Chuyện xưa tích cũ; Gốc cây – Cục đá và Ngôi sao; Danh thắng miền Nam.

T.Q

Đoàn Thạch Hãn (nld.com.vn)

Bình luận (0)