Y tế - Văn hóaThư giãn

Thương tiếc nhà văn Toan Ánh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Toan Ánh và một số tác phẩm của mình – Ảnh: Diệp Đức Minh

Toan Ánh là một trong rất ít các nhà văn Việt Nam thế hệ trước Cách mạng Tháng Tám còn lại ở thế kỷ 21 này. Cụ có một kiến văn quảng bác và một bút lực dồi dào, đặc biệt về phong tục tập quán. Nhà văn lớn ấy vừa ra đi ở tuổi 96…

Hơn nửa thế kỷ trước, khi còn là học sinh trung học, người viết đã học nhiều bài trích từ tác phẩm Toan Ánh. Cách đây 5 năm, nhờ người quen giới thiệu, người viết được đến thăm cụ tại tư gia (đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Lúc đó cụ đã qua ngưỡng 90 tuổi, nhưng vẫn hết sức tinh anh, mẫn tiệp.

Cụ giới thiệu với chúng tôi từng bộ sách, lại dắt chúng tôi vào phòng trong để khoe chồng bản thảo chưa in. Chúng tôi thật sự choáng ngợp trước văn nghiệp đồ sộ của cụ: hơn 120 bộ sách (mỗi bộ hàng chục tập). Ai từng đọc Toan Ánh đều nghĩ cụ chỉ là nhà phong tục học bởi các tác phẩm nổi tiếng của cụ về đề tài này. Tuy nhiên, khi tra Danh mục tác phẩm Toan Ánh (theo từng thể loại) mà chị Uyển – ái nữ của cụ – trao cho, chúng tôi vô cùng khâm phục sự đa dạng trong các thể loại sáng tác – nghiên cứu của cụ. Trong đó có nhiều bộ sách rất giá trị như Nếp cũ (11 cuốn), nói về vòng đời của con người Việt Nam (từ lúc là bào thai, sinh ra, đi học, đi làm, lập gia đình, chết, cải táng…), Việt Nam chí lược (5 cuốn: Người Việt đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Miền Trung kiên dũng, Cao nguyên miền thượng, Miền Nam phú cường)…

Nếu tập truyện Trong lũy tre xanh (1957) phê phán những hủ tục làng quê thì Phong lưu đồng ruộng (1958) là những bài viết ngắn ca tụng những nét đẹp của đời sống tinh thần nơi thôn xóm. Nếu Bó hoa Bắc Việt (1958) đề cao phẩm chất hiền thục đảm đang của phụ nữ Việt Nam thì Tiết tháo một thời (1957) lại nêu lên khí phách của sĩ phu Việt Nam. Cuốn Hương nước hồn quê (1999) dùng những chuyện tình để giải thích ca dao Việt Nam (chẳng hạn truyện Cây đa, bến Cộ là cuộc tình không thành giữa cô lái đò và chàng nho sĩ, giải thích hai câu “Trăm năm đã lỡ hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác đưa”). Rồi Cầm ca Việt Nam, Hồn muôn năm cũ, Trong họ ngoài làng, Ta về ta tắm ao ta… Phải có một đam mê, tâm huyết lớn và sức lao động bền bỉ mới có được một gia tài đồ sộ như vậy.

Nhà văn Toan Ánh từ trần lúc 0 giờ 10 phút ngày 15.5.2009 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thọ 96 tuổi. Linh cữu quàn tại tư gia số 20/302C Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Lễ động quan lúc 8 giờ ngày 20.5, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Nhà văn Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán, sinh năm 1914 tại Đáp Cầu, Bắc Ninh, vùng quan họ nổi tiếng với những lễ hội – đình đám. Thuở nhỏ, ông thường được bố dắt theo, thăm thú các lễ hội quanh vùng. Được mẹ, ngày đi bán hàng xáo, tối về vừa xay gạo vừa dạy chữ Hán và đạo làm người. Rồi được thọ giáo với thầy đồ Chu Kinh Phượng nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Chính vì thế mà những chi tiết về tập tục, lễ hội và những khuôn phép về đạo lý phương Đông đã sớm thấm nhuần trong ông.

Lúc trưởng thành, làm nhiều công việc khác nhau (thuế vụ, thanh tra, dạy học…), việc hay thay đổi nhiệm sở đã đưa ông đến nhiều vùng của đất nước. Đến đâu ông cũng chú tâm tìm hiểu tập quán, hội hè, ca dao… và ghi chép một cách rất cẩn thận. Thế nhưng tác phẩm đầu tay của ông lại là một truyện ngắn: Chiếc nhẫn quý in trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1935… Vợ ông là một hoa khôi 17 tuổi vùng Vĩnh Yên, Vĩnh Phú. Họ sống với nhau 20 năm, có 11 người con. Bà bị đột tử khi mới 46 tuổi (12.1969). Tang lễ cho vợ xong, ông đóng cửa nửa tháng để viết hồi ký Nhớ thương rất cảm động. Từ đó, ở tuổi 55, ông một mình gà trống nuôi con cho đến ngày nhắm mắt…

Bài viết này như một nén nhang thành kính tưởng niệm một nhà văn lớn, một nhân cách lớn đã suốt đời cống hiến, đề cao và quảng bá những giá trị truyền thống cao đẹp của văn hóa Việt Nam.

Hà Đình Nguyên (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)