Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thượng Trạch – Không còn chìm trong màn sương

Tạp Chí Giáo Dục

Thoát khỏi đời sống “ăn lông ở lỗ”, trẻ em Thượng Trạch đã được đến trường

Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn với địa hình vô cùng hiểm trở, cái tên Thượng Trạch hằn sâu trong kí ức của nhiều người từng một lần đặt chân đến tầm dăm bảy năm về trước với nỗi e ngại, nay đã đổi thay. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của tộc người Ma Coong ở chốn núi rừng này đã có nhiều tiến bộ!

Sống trên núi đá vôi

Con đường 20 – Quyết Thắng bắt đầu từ một điểm trên cung đường Trường Sơn huyền thoại đoạn qua danh thắng Phong Nha Kẻ Bàng, rồi từ đó chạy ngược về phía Tây Nam với muôn vàn đèo dốc hiểm trở, rừng rú thâm u, những khúc cua tay áo liên tục. Bản Cờ Đỏ, xã biên giới Thượng Trạch hiện ra trước mắt chúng tôi sau hơn 3 giờ đồng hồ đi bằng xe gắn máy. Cái nắng tầm giữa gay gắt. Những đứa trẻ đầu trần, chân đất vẫn mải miết với trò chơi xe đẩy bằng một manh gỗ gắn thêm cái vòng sắt tròn làm bánh xe. Tiếng trẻ nô đùa vang cả một khu rừng. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, ông Đinh Puôn, Trưởng bản Cờ Đỏ (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) phấn khởi nói: “Từ ngày con đường 20 – Quyết Thắng được thảm nhựa, hai năm nay bà con Ma Coong có điều kiện về xuôi được mỗi năm vài lần. Lũ trẻ lớn lên cũng dễ dàng hơn trong việc đi lại học hành, tham khảo các mô hình làm ăn của bà con miền xuôi để phát triển kinh tế. Trước đó thì hiếm lắm, chỉ những ai ốm đau nặng phải về bệnh viện”. Đã bao đời người dân Ma Coong ở Thượng Trạch vẫn khao khát một con đường để cái lưng đỡ mỏi, cái vai đỡ nặng mỗi khi gùi hàng hóa về xuôi.

Thượng Trạch là xã vùng biên xa nhất của huyện Bố Trạch, có gần 30km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Ma Coong. Toàn xã có 18 bản với hơn 470 hộ dân, gần 2.300 nhân khẩu. Những năm trước, muốn vào trung tâm xã chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ hàng giờ đồng hồ theo đường 20 – Quyết Thắng cũ, chưa thảm nhựa. Mùa mưa lũ, người dân gần như bị cô lập. Công văn, thư tín bao giờ cũng mất hàng tuần, thậm chí cả tháng mới đến nơi. Thượng Trạch được biết đến là một xã nhiều không: Không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch sinh hoạt… Chỉ nhiều muỗi, sên vắt, bọ chét luôn sẵn sàng truyền bệnh sốt rét cho bất cứ vị khách lạ nào một lần đặt chân tới. Địa hình phức tạp, hầu hết toàn núi đá vôi bao quanh, các bản làng cách xa nhau vài cây số đường rừng, ngoài khoản trợ cấp đặc biệt của Nhà nước, tộc người Ma Coong sinh sống chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, con thú, cây măng tre trên rừng. Mỗi năm hạt lúa thu về chỉ đủ ăn vài tháng, cái đói hiện hữu gần như quanh năm. Tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 100%. “Ở đây bốn bề núi đá vôi, chỉ cái lạnh là giàu nhất thôi”, Đinh Puôn nói. Cái khổ thứ hai ở đây theo lời bà Y Quyết, Chủ tịch Hội LHPN xã là gánh nặng gia đình dồn lên vai người phụ nữ. Đói nghèo kéo theo sinh con đông, nheo nhóc và thiếu thốn. Ở nơi cách trở, chậm tiếp xúc với cuộc sống văn minh, tộc người Ma Coong còn nhiều lạc hậu. Tầm hơn chục năm trước, cuộc sống của họ giữa chốn rừng thiêng nước độc chẳng khác mấy đồng bào Rục với cuộc sống “ăn lông, ở lỗ”.

Từng bước đổi thay

“Thượng Trạch bây giờ đã đổi thay nhiều lắm. Người dân đã ý thức được việc cho con tới trường, biết làm ăn kinh tế, có nhiều gia đình sắm được xe gắn máy…”, ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói. Ở Thượng Trạch, ông Đinh Hợp được nhắc đến không chỉ là một vị Chủ tịch xã gần dân mà ông còn là người đi đầu trong việc phát triển kinh tế. “Mình cũng là người Ma Coong nên mình hiểu. Muốn bà con tin thì phải làm trước. Cách nay 5 năm, mình đã đầu tư trồng 5ha cao su tiểu điền và chăn nuôi gia súc. Khi thấy vườn cao su xanh tốt và đàn gia súc có thể bán thu về được tiền thì bà con cũng bắt tay làm theo”. Ông Đinh Hợp cho biết, hiện Thượng Trạch có khoảng 500ha đất canh tác hoa màu, lúa rẫy, đàn gia súc 3.000 con. 32 hộ có ti vi, 50 hộ sắm xe máy để đi lại, vận chuyển hàng hóa thông thương với bên ngoài. Bà con ốm đau đã thôi cúng con ma rừng mà tìm về bệnh viện chữa trị. Đặc biệt, các cháu trong độ tuổi đã được tới trường. Nhờ sự tận tình của các thầy cô giáo cắm bản, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng dần thông thạo với tiếng Kinh hơn. Hiện có gần chục em đang theo học THPT và ĐH”, ông Đinh Hợp tự hào.

Gần 30 năm sau khi “ra khỏi rừng” để tiếp cận với đời sống văn minh, nhờ tấm lòng nhiệt huyết của các thầy cô giáo yêu trẻ, sự hỗ trợ tận tình của những người lính Đồn biên phòng Cồn Roàng đóng chân trên địa bàn xã, tộc người Ma Coong ở Thượng Trạch tuy vẫn còn đó nhiều khó khăn nhưng đã tiếp cận được với cuộc sống văn minh, gần lại với miền xuôi. Lời kể giản dị của Đinh Hợp chất chứa nỗi chạnh lòng của mấy mươi năm sống giữa rừng sâu núi thẳm, thiếu thốn tứ bề. Giữa trập trùng gian khó của miền biên viễn, những đổi thay từng ngày lặng lẽ khoác cho Thượng Trạch màu áo mới, trẻ con biết đọc con chữ làm phép tính, người lớn có thể tiếp cận thông tin phát triển kinh tế qua ti vi, có xe máy để ra chợ huyện, về thành phố.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Dẫu bây giờ vẫn cần ánh điện, cần con đường thảm nhựa để nối các bản làng nhưng Thượng Trạch không còn chìm trong màn sương như giấc ngủ hàng trăm năm qua. Một sức sống mới đã gõ cửa vùng biên này, sự đổi thay đã và đang bắt đầu. Biên giới không còn xa…

 

Bình luận (0)