Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Thụy Điển bị nghi gian lận kết quả PISA

Tạp Chí Giáo Dục

Bằng cách loại trừ một nhóm học sinh khỏi bài kiểm tra PISA 2018, Thụy Điển đã vi phạm quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ngày 2/6, tờ Expressen của Thụy Điển công bố bản điều tra về kết quả bài kiểm tra PISA 2018 của quốc gia này thông qua khảo sát dữ liệu từ Cơ quan Giáo dục quốc gia, Cơ quan Di trú và Cơ quan Thống kê Thụy Điển. 

Theo nguyên tắc của OECD, những học sinh không phải tham gia thi PISA gồm: người suy giảm nhận thức, khuyết tật, kỹ năng ngôn ngữ hạn chế (áp dụng với học sinh nước ngoài mới theo học tiếng bản xứ chưa đầy một năm). Tuy nhiên, Thụy Điển đã bỏ học sinh người nước ngoài học tập tại Thụy Điển và học sinh Thụy Điển có kỹ năng ngôn ngữ yếu khỏi kỳ thi PISA 2018. Nhờ đó, kết quả PISA 2018 của Thụy Điển đã tăng cao so với năm 2016. Hành vi này được cho là vi phạm quy tắc của OECD, vi phạm phương pháp thống kê cơ bản.

Trong bảng xếp hạng PISA 2016, Thụy Điển xếp thứ 24 về Toán, 17 về Đọc hiểu, 28 về Khoa học. Sau hai năm, quốc gia này xếp thứ 17 về Toán, 11 về Đọc hiểu, 19 về Khoa học. Báo cáo của Expressen nêu rõ: "Nếu quy tắc của OECD được tuân thủ nghiêm ngặt, thứ hạng của Thụy Điển sẽ thấp hơn đáng kể".

Ulrika Mattsson, Hiệu trưởng trường Palmbladsskolan, thành phố Uppsala, thừa nhận đã vi phạm quy tắc của OECD, loại bỏ học sinh nước ngoài được dạy tiếng Thụy Điển trên một năm khỏi bài kiểm tra. "Tôi nghĩ chúng ta phải lấy học sinh làm trung tâm. Nếu làm bài kiểm tra khiến các em cảm thấy buồn, tôi sẽ không để các em làm", bà Mattsson nói.

Hiệu trưởng Ulrika Mattsson thừa nhận đã loại bỏ học sinh nước ngoài học tiếng Thụy Điển trên một năm khỏi kỳ thi PISA 2018. Ảnh: Cecilia Anderberg.

Magnus Henrekson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Kinh doanh Thụy Điển, nhận xét việc vi phạm quy tắc là nghiêm trọng, đặc biệt khi kết quả này là thước đo nền giáo dục Thụy Điển theo thời gian và so sánh với các quốc gia khác.

Tháng 12/2019, khi kết quả PISA 2018 được công bố, Bộ trưởng Giáo dục Anna Ekström đánh giá "là thông điệp về sức mạnh của các trường học Thụy Điển". Thụy Điển cũng được nhiều quốc gia ca ngợi vì học sinh thực hiện tốt bài kiểm tra, nằm trong nhóm trình độ trung bình của OECD về Toán, Đọc hiểu và Khoa học.

Trước đó, Cơ quan Giáo dục quốc gia Thụy Điển từng nghi ngờ có quá ít học sinh nước ngoài được phép tham gia thi PISA. Expressen đánh giá Cơ quan Giáo dục quốc gia đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tính toán sai vi phạm.

Đến nay, nhà chức trách Thụy Điển chưa lên tiếng trước cáo buộc của Expressen.

PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá học sinh quốc tế, do OECD khởi xướng với quy mô toàn cầu, chu kỳ ba năm một lần, đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi ở ba lĩnh vực là Đọc hiểu, Toán, Khoa học. Mỗi kỳ sẽ có một lĩnh vực được lựa chọn để đánh giá sâu hơn, gọi là lĩnh vực trọng tâm và sử dụng làm căn cứ để xếp loại chất lượng giáo dục của các quốc gia. Năm 2018 là lĩnh vực Đọc hiểu.

Chu kỳ đầu tiên của PISA được đánh giá là năm 2000. Ban đầu, PISA được thiết kế đánh giá bằng đề thi trên giấy. Tuy nhiên, đến năm 2018, hầu hết quốc gia đã chuyển sang hình thức thi trên máy tính, chỉ còn chín nước tham gia thi trên giấy, trong đó có Việt Nam.

Tú Anh/Vnexpress (Theo Sputnik, Expressen)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)