Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thủy điện mọc lên, tái tạo rừng đi xuống

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Quảng Nam, xây thủy điện, phá rừng là chuyện luôn làm nóng các kỳ họp HĐND tỉnh, nhưng bắt buộc doanh nghiệp phải trồng lại rừng theo quy định thì hầu như ít được đề cập.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh này cho hay, chưa có doanh nghiệp xây thủy điện nào nghiêm túc chuyện này.
Mất đất sản xuất, dân Bắc Trà Mi đi tàn phá rừng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Đốn hạ tràn lan
Theo nghiên cứu của Th.s Nguyễn Đăng Thạch – ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chỉ 4 nhà máy thủy điện (NMTĐ) lớn của Quảng Nam là Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Kôn 2 đưa vào vận hành, đã mất tới gần 4.000 ha rừng liên quan và có tới khoảng 6.000 ha rừng bị ảnh hưởng.
“Với 47 thủy điện đã, đang và sẽ xây ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn, chẳng ai tính được con số rừng mất sẽ bao nhiêu, rất khủng khiếp” – Th.s Thạch nói.
Theo ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hiện trên địa bàn huyện có tới 9 NMTĐ đã, đang và sẽ hoạt động. Diện tích rừng tự nhiên bị cạo trọc bởi thủy điện là gần 1.000 ha, gần 500 ha rừng trồng của dân bị ảnh hưởng. Hiện, vẫn chưa có doanh nghiệp xây NMTĐ nào trồng lại rừng, cũng như chưa hề trả một xu bảo vệ môi trường rừng theo quy định.
Thủy điện Sông Tranh 2, sau 6 năm khởi công xây dựng, đưa vào sử dụng, đã có 46 ha rừng phòng hộ bị chặt phá. Thủy điện Sông Bung 4 khởi công, hàng chục ha rừng ở Nam Giang bị tàn phá, lấn sang cả Tây Giang nơi có nhiều cánh rừng nguyên sinh.
Tại tiểu khu 123, một loạt khoảnh rừng lim xanh, nằm giữa khu vực giáp ranh giữa Tây Giang và Nam Giang bị đốn hạ. Những khoảnh rừng lim thuộc quản lý của Tây Giang, nhưng địa bàn lại nằm sát bên Nam Giang nên người dân thoải mái đốn hạ, dù không trong quy hoạch lòng hồ thủy điện Sông Bung.
Văn phòng UBND huyện Tây Giang cho hay, công an huyện đang khẩn trương điều tra và sắp tới sẽ khởi tố vụ án phá rừng gỗ lim ở tiểu khu 123. “Hiện số gỗ đã được tập trung ở thôn Brum A (xã Duông – Nam Giang) và đang được công an hoàn tất hồ sơ” – ông Bhriu Quân, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang cho biết.
Chưa thủy điện nào bỏ tiền trồng rừng
Theo ông Diệp Thanh Phong- Phó Giám đốc Sở NN&PT NT tỉnh Quảng Nam, tính đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp xây thủy điện nào bỏ một đồng để trồng rừng”.
Theo lãnh đạo Sở, đã nhiều lần đơn vị đề cập vấn đề thủy điện hoặc bất kỳ một ngành nghề, lĩnh vực nào có tác động đến rừng đều phải hoàn thổ, nhưng vẫn chưa được chú ý nhiều. Riêng về thủy điện thì hầu như bỏ ngỏ.
Ông Phong, cho biết thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị lãnh đạo tỉnh cho thành lập một đoàn liên ngành kiểm tra, buộc các chủ đầu tư ký vào hợp đồng chi trả phí Dịch vụ môi trường rừng, cũng như phải có kế hoạch hoàn thổ.
Ông Lê Đình Bản – Phó Tổng Giám đốc Cty thủy điện A Vương, cho biết: Từ năm 2008-2009, NMTĐ A Vương đã đặt vấn đề trồng lại rừng với huyện Đông Giang, nhưng địa phương này… không tìm ra đất trống cho Cty trồng rừng.
Sau đó, Cty này đã gửi công văn cho tỉnh Quảng Nam, đề nghị được chuyển tiền cho tỉnh, để tỉnh giao cho địa phương làm. Cuối năm 2011, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao cho QBL rừng phòng hộ ở Đông Giang làm giùm cho A Vương. Đến nay, việc trồng lại rừng của A Vương đang trong giai đoạn được QBL rừng phòng hộ? thiết kế, chờ tỉnh phê duyệt. Riêng với phí Dịch vụ môi trường rừng, ông Bản cho hay, NMTĐ A Vương dự chi khoảng 14 tỷ trong giai đoạn thực hiện thí điểm ở 2 thôn A Xờ và A Bông (xã Macooih).
Ngoài NMTĐ A Vương, khi đặt câu hỏi đến vấn đề này, chủ đầu tư của hàng loạt NMTĐ thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn đều tỏ ra thờ ơ, tránh né. Ông Diệp Thanh Phong xác nhận, hàng chục ngàn ha rừng bị phá do thủy điện, nhưng két sắt của tỉnh Quảng Nam chưa nhận được một đồng từ các NMTĐ để tái tạo rừng.
Chủ đầu tư phải hỗ trợ dân

Theo UBND huyện Đông Giang, 9 NMTĐ trên địa bàn đã gây không ít xáo trộn đến đời sống nhân dân, đặc biệt hàng trăm hộ đồng bào Cơ tu. Vì thế, chủ đầu tư là các NMTĐ phải hỗ trợ cho dân ổn định lại cuộc sống.

Cụ thể: Hai dự án sản xuất cho nhân dân 2 khu TĐC A Vương giai đoạn 2012-2015, tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ nhưng huyện không có nguồn vốn thực hiện. Lãnh đạo huyện đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ; đề nghị trích một phần nguồn thu từ công trình thủy điện A Vương, Sông Kôn, Sông Bung, Za Hưng để thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất để cho nhân dân mượn phát triển sản xuất.

Theo TPO

 

Bình luận (0)