Quốc hội Hungary đã thông qua việc kết nạp Thụy Điển vào liên minh quân sự NATO, xóa bỏ rào cản cuối cùng cho bước đi lịch sử của quốc gia từng giữ vị thế trung lập qua hai cuộc chiến tranh thế giới.
Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với Phần Lan chỉ vài tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nước láng giềng đã chính thức trở thành thành viên NATO vào năm ngoái trong khi con đường của Thụy Điển gặp trắc trở hơn do sự cản trở từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Phiên họp tại quốc hội Hungary ngày 26.2. REUTERS
Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Thụy Điển có hành động mạnh tay hơn đối với các nhóm vũ trang thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Ankara coi là khủng bố và được cho là có cơ sở tại quốc gia Bắc Âu.
Thụy Điển đã sửa đổi luật và nới lỏng quy định bán vũ khí để xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn gắn việc phê chuẩn cho Thụy Điển với yêu cầu Mỹ đồng ý bán chiến đấu cơ F-16 cho Ankara.
Động cơ cản trở của Hungary ít rõ ràng hơn nhưng nước này được cho là muốn thể hiện sự không hài lòng về việc Thụy Điển chỉ trích chính sách của chính quyền Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Tuần trước, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã thăm Hungary và ký một thỏa thuận vũ khí.
Binh sĩ tại Cung điện Hoàng gia Thụy Điển ở thủ đô Stockholm ngày 24.2. REUTERS
Quốc hội Hungary ngày 26.2 phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển với sự đồng ý của đa số nghị sĩ. Văn kiện sẽ được chủ tịch quốc hội và tổng thống ký trong vài ngày tới. Những thủ tục còn lại như lưu hồ sơ tại Mỹ dự kiến hoàn tất nhanh chóng.
"Thụy Điển đang bỏ vị thế trung lập và không liên kết quân sự trong 200 năm lại phía sau. Chúng tôi đang gia nhập NATO nhằm bảo vệ những gì chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi đang bảo vệ sự tự do, nền dân chủ và những giá trị của mình, cùng với những nước khác", ông Kristersson nói trong một cuộc họp báo.
Nhà Trắng và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có những phát biểu hoan nghênh việc kết nạp Thụy Điển, nước chưa từng trải qua chiến tranh từ năm 1814. Sự tham gia của Thụy Điển và Phần Lan là lần mở rộng lớn nhất của NATO từ khi khối này kết nạp các nước Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Theo Vi Trân/TNO
Bình luận (0)