Ở các chợ, quán tạp hóa, mặt hàng thủy hải sản khô không đóng kín được bày bán hết ngày này qua ngày khác (ảnh chụp tại chợ Bà Chiểu)
|
Tết đã cận kề, các loại thức ăn thủy hải sản khô tại khu vực chợ, tiệm tạp hóa bắt đầu bán với số lượng nhiều. Đây được xem là món dễ ăn và ưa thích của nhiều người tại bất cứ thời điểm nào. Tuy ngon miệng nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liệu có đảm bảo khi hầu hết các mặt hàng không ghi nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản…
Phong phú hàng, đa dạng giá
Hiện nay, tại khu bán thủy hải sản khô chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), các loại khô như tôm, mực, bò, nai, sặc, cá cơm… đã được bày bán đa dạng, với số lượng nhiều. Theo đó giá cả cũng phong phú. Mực tẩm từ 500.000-600.000 đồng/kg; mực xé Nha Trang 450.000 đồng/kg; mực nguyên con hơn 500.000 đồng/kg, khô bò sợi xé, bò mềm từ hơn 200.000 đến hơn 300.000 đồng/kg, tôm đất khô, loại nhỏ xỉn màu có giá 200.000 đồng/kg, loại sáng màu, đỏ tươi từ 400.000 đến hơn 1 triệu đồng/kg, tùy kích cỡ… Quan sát dọc các sạp, chúng tôi thấy giá cả mỗi sạp chênh nhau độ 20.000 đến 50.000 đồng/loại.
Chị chủ sạp Kim Nhung cho biết: “Ngày thường mặt hàng này không đắt khách như quần áo. Nhưng lại là mặt hàng không lo ế vì để được lâu, bán dài dài. Đây là thời điểm mà số lượng khách mua bắt đầu tăng, đa số mua về ăn và mua về làm quà Tết là chính”.
Khi chúng tôi có ý muốn mua ít tôm làm quà, chị đon đả: “Nếu mua tôm nấu canh thì mua loại 400.000 đồng/kg là được rồi, còn nếu mua để ăn kèm dưa kiệu thì lấy loại 700.000 đến 1 triệu. Quà này tặng là sang nhất. Tôm dai, màu đẹp, ngon ngọt lắm em. Em cứ ăn thử đi thì biết”. Thấy chúng tôi nhìn lên loại 720.000 đồng, chị nhanh nhảu: “Mua mở hàng, chị giảm cho còn 600.000 đồng, đi khắp chợ không có giá này đâu em”.
So với chợ Bà Chiểu thì tại chợ Bình Tây, (Q.6, TP.HCM), các mặt hàng như mực tẩm, khô bò mềm, xé sợi rẻ hơn cả 100.000 đồng/loại. Đơn cử như mực tẩm, giá khoảng gần 500.000 đồng/kg, tôm khô cũng tương tự. Tại các chợ như Vườn Chuối (Q.3), một số chợ tự phát vào buổi sáng và chiều thì những mặt hàng này cũng được bày bán nhiều.
Khô càng đen càng vệ sinh?
“Khi mua thủy hải sản khô, người tiêu dùng nên chọn lựa những sản phẩm không bị vụn nát, không có mùi lạ, không biến đổi màu, có màu sắc tự nhiên và phải rửa kỹ trước khi chế biến”, BS. Kim Huệ tư vấn.
|
Thông thường khi mua, khách hàng để ý những mặt hàng trắng, màu sáng đẹp vì xem đó là mặt hàng sạch, chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, hàng càng đen càng chất lượng, càng đảm bảo vệ sinh. Trái lại là hàng dùng thuốc tẩy trắng, một số hóa chất.
Ghé sạp Thanh Nga (chợ Bà Chiểu) hỏi thăm mặt hàng mực tẩm, chị chủ sạp chỉ lên loại trắng có giá 630.000 đồng/kg, loại đen rẻ hơn 30.000 đồng. Chị tư vấn: “Nếu em mua ăn thì chọn loại đen ấy, đừng tham trắng đẹp, ăn nguy hiểm lắm. Toàn thuốc tẩy, hóa chất bảo quản. Em nghĩ xem, con mực nó đen như thế, khi chế biến thì làm sao trắng được… mà không riêng mực, nhiều loại khác cũng vậy”.
Bản thân người bán còn tư vấn như thế thì thật khó biết đâu mà chọn lựa. Điều đáng lo ngại hơn đó là cách bảo quản, thời gian bảo quản. Đặc điểm của các mặt hàng này là không có ghi nơi sản xuất, ngày sản xuất, không hạn sử dụng, cách bảo quản… Tất cả được đựng trong túi nilon. Có loại bao kín nhưng phần lớn là không bao kín, tiếp xúc trực tiếp với gió, bụi, bày bán hết ngày này qua tháng khác, thậm chí bày bán dọc lề đường ẩm thấp, nhiều người qua lại. Chị chủ sạp Thanh Nga chia sẻ, mực tẩm để được khoảng 2 tháng, nếu có tủ lạnh thì càng ngon hơn. Cũng loại này, người bán tại chợ Bình Tây lại nói, mực tẩm để bao lâu cũng được vì món này đã chế biến sẵn nên không có gì phải lo. Hay các mặt hàng tôm, bò cũng được tư vấn tương tự.
Theo các BS thì sau khi thủy hải sản chết vài giờ sẽ phân hủy. Trong thủy hải sản chứa nhiều đạm, chất này sẽ phân hủy tạo ra chất histamine, gây giãn mạch, co thắt khí quản, hoạt hóa cơ trơn, sự phân chia các tế bào nội mạc, gây đau, ngứa, viêm mũi, tiêu chảy… “Lượng histamine trong cá khô khá cao, nếu bảo quản không tốt dẫn đến ẩm ướt, mốc… thì lượng histamine càng tăng nhiều tạo ra độc tố cao. Theo đó, cơ thể con người yếu, ăn phải thủy hải khô có có nhiều độc tố này sẽ không tránh được ngộ độc. Biểu hiện như: Tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, thậm chí mẩn ngứa toàn thân… Chưa kể, trong quá trình phơi sấy, con người thường dùng một số chất chống mốc như benzoat natri, chống vi khuẩn như natri nitrit, sát trùng, tẩy trắng là clorin… Nếu sử dụng quá liều, không kiểm soát thì dễ gây ngộ độc thực phẩm. Hoặc trong quá trình phơi sấy, một số vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra một số độc chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể không ảnh hưởng trực tiếp nhưng về lâu về dài sẽ ảnh hưởng, nguy hiểm hơn là gây bệnh ung thư”, BS. Lê Kim Huệ (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Mặt hàng khô nào cũng phải có nhãn mác
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa (Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM) cho biết: “Những mặt hàng nào có yếu tố nguy cơ phải được đem đi xét nghiệm, phân tích. Và bất kỳ mặt hàng khô nào cũng phải có nhãn mác, ngày sản xuất, nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản… Nếu bị biến đổi màu sẽ không ăn được”.
|
Bình luận (0)