Hãy tạm gác lại một thế lực bất nhân, tàn bạo – hệ thống quan lại lúc bấy giờ – chỉ bàn đến hai thế lực đen tối. Một lầu xanh Tú bà, một dinh thự của bà quan vợ ông tể tướng. Hai thế lực sẵn sàng nghiền nát cuộc đời một thiếu nữ lương thiện. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Du đã cho hai thế lực ấy vào thế đối nhau: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. Cũng không phải vô tình mà mọi tình tiết đối xứng nhau của hai thế lực ấy. Hãy nhìn vào cách tả của Nguyễn Du.
Bọn Khuyển – Ưng đã nhanh chóng đem Thúy Kiều về huyện Tích dâng cho bà Hoạn, mẹ Hoạn thư. Thúy Kiều vẫn trong cơn hôn mê. Bỗng sực tỉnh, Thúy Kiều ngạc nhiên ngơ ngác nhìn: Cửa nhà đâu mất (nhà Thúy Kiều ở Lâm Trì. L.X.L chú), Lâu đài nào đây. Cái ngơ ngác, lạ lẫm của Kiều khi nhìn thấy dinh cơ của Hoạn bà sao giống cái ngơ ngác lạ lẫm khi Kiều trông thấy quang cảnh lầu xanh Tú bà.
Khi con ở giục Thúy Kiều lên gặp bà Hoạn (Nguyễn Du không dùng từ Hoạn bà lên tiếng gọi nàng mà là sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu. Sảnh đường tức tất cả oai phong, uy quyền của gia đình một quan to) Thúy Kiều đã nhìn thấy hai bên của lối đi: Ban ngày sáp thắp hai bên, cũng như ngày nào Kiều thấy ở lầu xanh: Bên thì mấy ả mày ngài/ Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi! Đấy là hai bên lối đi, còn chính giữa nhà: giữa giường thất bảo ngồi trên một bà, đó là bà Hoạn, còn đây là mụ Tú: Tú bà vắt nóc lên giường ngồi ngay!
Chưa hết, Thúy Kiều ngước nhìn lên: “Thiên quan trúng tể” có bài treo trên (có biển hiệu quan tể tướng), nhớ lại lầu xanh mụ Tú: Giữa thì hương án hẳn hoi/ Trên treo một tượng trắng đôi lông mày. Thì ra ông tổ sư, ông trùm nhà đĩ, thần mày trắng, cũng chẳng kém gì với ngài tể tướng! Đấy là mới nhìn quang cảnh. Sau quang cảnh là việc làm và lời nói. Cũng chẳng mất công liệt kê lời lẽ điêu toa, ngang ngược của hai bà cùng hành động đánh đập Thúy Kiều.
Hãy nghe bà Hoạn tra hỏi Thúy Kiều: Bà rất “tử tế” hỏi hết đầu đuôi ngọn ngành. Thúy Kiều lòng thật thưa tất cả, bất ngờ bà Hoạn trở về với bản tính của một miệng quan (Dân ta nói: miệng quan có gang có thép, hóa ra miệng vợ quan cũng có những thứ ấy). Diếc rằng: “Những giống bơ thờ quen thân/ Con này chẳng phải thiện nhân/ Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng/ Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào!”. Giống bơ thờ là giống gì? Bà Hoạn muốn nói Thúy Kiều là con người không gốc tích, không có căn cứ vào đâu. Chắc là phải như bà đây, bà đang ngồi dưới bóng ông chồng tể tướng đây. Bà lại mắng Thúy Kiều chẳng phải là người lương thiện (thiện nhân). Lương thiện phải như bà đây: đốt nhà, bắt người, hà hiếp người! bà kết tội cho Thúy Kiều là quân trốn chúa (bỏ chủ nhà mà đi, những con ở bất lương) là quân lộn chồng. Cụ Nguyễn Du dùng hai chữ lộn chồng thật hay bởi ta hiểu đó là người không đúng đắn. Nhưng lộn chồng là lộn như thế nào? Cụ Văn Hòe giải thích là bỏ chồng này lấy chồng khác. Thay đổi chồng luôn luôn. Đào Duy Anh lại giải thích: Bỏ chồng mà trở về nhà mình.
Hình như hai cách giải thích đều có bề chưa yên. Nếu giải như Đào Duy Anh chữ lộn ấy là động từ, động tác. Trong dân gian có từ lộn là lẫn lộn. Tức chồng của người ta mà lẫn mà nhận là chồng mình. Sự lộn ấy mới đáng sợ đáng lên án. Còn như cụ Văn Hòe nói bỏ chồng này lấy chồng khác thì đâu là hạng người đáng khinh. Bàn vui vậy thôi điều chủ yếu là mồm lưỡi điêu toa của bà Hoạn. Hai chữ một phen ở đầu và cuối câu thơ cứ như những ngọn roi quất xuống thân hình mảnh mai của Thúy Kiều. Sau khi giành phần nói là đánh đập Thúy Kiều. Nguyễn Du chỉ biết khóc thương: Xót thay đào lý một cành/ Một phen mưa gió tan tành một phen.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)