Thúy Kiều không thể chết bởi ba lí do: Tú bà hết sức thuốc thang, chạy chữa; Đạm Tiên hiện hồn về báo cho Thúy Kiều biết rằng nàng chưa thể chết được; lời dỗ dành ngon ngọt của Tú bà.
Thứ nhất: Tú bà hết lòng chạy chữa cho Thúy Kiều. Vì sao? Theo cụ Nguyễn Du, mụ Tú thấy Kiều bằn bặt giấc tiên, mụ run lên cầm cập, mắt nhìn hồn bay! Vì sao mụ lại lo sợ đến thế? Có thể vì hai lí do: Kiều mất là vốn liếng đi đời nhà ma; Kiều chết trong nhà mụ Tú lại sau cơn đánh đập của mụ, liệu có liên quan đến pháp luật? Trong Kim Vân Kiều Truyện, Thanh Tâm Tài Nhân viết rất rõ: Một bọn người địa phương chạy vào nói: Mụ Mã Tú này! Mụ sai Mã Bất Tiến vờ làm phú ông đi cưới vợ lẽ, lừa gạt con gái nhà lương thiện đưa về, bắt ra tiếp khách, không chịu thì đánh đập tàn nhẫn, bức chết nhân mạng. Việc này liên lụy đến địa phương, chúng tôi không thể nào làm ngơ cho mụ được, phải trình báo quan phủ trước để tránh khỏi can hệ đến chúng tôi. Mụ Tú sợ quá, liền van xin và biện mâm rượu mời mọi người ăn uống và hứa hẹn nếu Thúy Kiều còn sống mụ sẽ hậu tạ… Mọi người nghe lời mụ.
Cụ Nguyễn Du chỉ viết: Nỗi oan vỡ lở xa gần/ Trong nhà người chật một lần như nen. Như vậy, cụ Nguyễn đã bỏ đi lời nói của hàng xóm, láng giềng. Cụ bỏ đi cái chuyện biện mâm rượu hứa hậu tạ của mụ Tú và mọi người nghe theo. Vì sao Nguyễn Du lại bỏ cái chi tiết ấy? Có hai lẽ: Một là nếu khắc đậm chi tiết hàng xóm lên án mụ Tú, tức Thúy Kiều sau lưng mình còn có người che chở. Nguyễn Du muốn Kiều ở thế cô đơn và tính mạng trong tay kẻ lộng hành. Hai là, cái đám người biết nói lời phải nhưng khi có cơm rượu và sẽ có món tiền hậu tạ lại êm xuôi. Những người bà con chòm xóm ấy, xem ra chẳng tốt đẹp gì. Nguyễn Du không muốn ngòi bút tố cáo của mình vấy vá nhiều đối tượng. Truyện Kiều dồn vào tố cáo bọn quan lại và kẻ ăn ở bất nhân.
Thứ hai: Đạm Tiên hiện hồn. Đây là lí do quan trọng nhất. Đến giờ phút này, Thúy Kiều đã ba lần gặp Đạm Tiên. Lần thứ nhất và lần thứ hai, một ban ngày và một ban đêm. Kết thúc hai lần gặp ấy là tâm trạng bâng khuâng, nuối tiếc của Thúy Kiều: Trông theo nào thấy đâu nào/ Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây! Mối tình không dứt được ấy báo trước Đạm Tiên sẽ luôn theo dõi, bám sát Thúy Kiều. Kiều vừa tự tử, trong mê dường đã đứng bên một nàng. Nàng ấy là Đạm Tiên, nàng đã nói nhỏ vào tai Thúy Kiều: Nhân quả dở dang/ Đã toan trốn nợ Đoạn trường được sao? Số còn nặng nghiệp má đào/ Người dầu muốn quyết trời nào đã cho!/ Hãy xin hết kiếp liễu bồ/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau!
Như vậy, Đạm Tiên báo cho Thúy Kiều biết: Kiếp trước của Kiều đã tạo nên nhân khổ, nhân ác; kiếp này còn phải sống để trả cái nhân gieo từ tiền kiếp.
Đây là quan niệm nhân – quả trong đạo Phật. Có lẽ vì vậy, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều lần nói chuyện về Kiều, đã viết hai cuốn sách bình giảng Truyện Kiều qua quan điểm Phật giáo. Thúy Kiều biết số mình còn long đong, lận đận, Kiều chưa thể chết.
Thứ ba: Lời dỗ dành dịu ngọt, lời hứa hẹn “chí tình” của mụ Tú. Sức khỏe Thúy Kiều vừa mới hồi phục, mụ Tú đã liệu lời khuyên giải, mơn man gỡ dần. Câu thơ có hai vế ứng với hai điều mụ Tú nói. Liệu lời khuyên giải: sao phải liệu lời? Mụ Tú quả tinh ranh trong việc buôn người. Mụ đã ra tay, mụ đã mở hết cung độ của cái mồm độc địa, bẩn thỉu… đáp lại, Kiều tự tử. Với người con gái này mụ phải lựa lời. Nào đời người chỉ sống có một lần, tuổi còn đang hoa xuân… Rồi cái chuyện tôi ép buộc là lỡ một lầm hai…
Tại sao phải mơn man gỡ dần? Mụ đánh trúng tâm lí Thúy Kiều, Kiều chỉ mong thoát khỏi lầu xanh dầu phải làm thê thiếp cho bất cứ ai. Mụ phải tỉ tê chiều lòng Thúy Kiều…
Mụ hứa: Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà!
Mụ đã êm dịu, ngọt ngào giăng sẵn một cái bẫy!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)