Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều lạ lẫm khi đến lầu xanh Tú bà

Tạp Chí Giáo Dục

Từ lạ lẫm đến ngỡ ngàng đến kinh ngạc là chuỗi tâm lí của Kiều khi đến lầu xanh mụ Tú.
Trước hết Kiều lạ lẫm về con người ra đón Kiều. Thoắt trông lờn lợt màu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao? Các cụ Bùi Kỷ, Đào Duy Anh đã chú thích hai chữ lờn lợt. Cụ Bùi Kỷ viết: “Tức là mất sắc đi, không tươi không thắm nữa”, cụ Đào Duy Anh: “Hình dung vẻ hơi lợt, không lợt hẳn mà không thắm”. Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội, 1988) lại không giải thích hai chữ này. Phải chăng lờn lợt màu da tức một màu da không có tý nào màu hồng của máu, nó hơi đen lại có vẻ trắng, một màu trắng đục. Tú bà chuyên sống về đêm, không ra nơi có ánh sáng nên mới có màu da ấy. Đã thế mà cao, mà lớn, mà đẫy đà. Từ dị hình ấy, Thúy Kiều (hay cụ Nguyễn) hạ một chữ ăn gì, thật kín đáo, thật khinh khi.
Thúy Kiều lạ lẫm khi nhìn thấy cảnh trí: Bên thì mấy ả mày ngài/ Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi/ Giữa thì hương án hẳn hoi/ Trên treo một tượng trắng đôi lông mày. Bên thì, bên thì, giữa thì văn ý rõ ràng, minh bạch. Người đọc cứ nhìn theo cái đưa mắt của Thúy Kiều. Ba bề bốn bên không ra ý chào đón mà như nhốt Kiều, như cái bẫy sẵn sàng đón mồi. Tả, hữu hai loại người đã rõ, chỉ có hương án sao lại hẳn hoi? Tức trước bàn thờ có cái ghế để đủ các thứ của nơi cúng bái. Cúng ai? Cúng một thần có lông mày trắng (bạch my), đó là ông tổ nghề làm đĩ. Ở chốn thanh lâu, thờ thần đĩ vừa tỏ ý tôn trọng vừa để làm nơi cúng vái xả xui cô nào xấu vía có thưa mối hàng, hãy đến cúng thần, cầu xin thần và lấy hương hoa đã cúng lót xuống chiếu nằm. Làm vậy, sẽ hết vía xấu và khách hàng đến đông đúc. Đông người đến, cụ Nguyễn lại hài hước ầm ầm tứ vi!
Thúy Kiều còn đang ngơ ngẩn chưa biết gì, mụ Tú liền khấn: Cửa hàng buôn bán xưa nay/ Đêm đêm hàn thực ngày ngày nguyên tiêu/ Muôn nghìn người thấy cũng yêu/ Xôn xao oanh yến, dập dìu trúc mai/ Tin nhạn vấn lá thư bài/ Đưa người cửa trước, rước người cửa sau
Nói tóm lại: Tú bà cầu mong sự có mặt của Thúy Kiều sẽ đông khách. Khách xôn xao, dập dìu, thư tín gửi tới tấp, hết đưa người cửa trước, thì đã rước người cửa sau.
Mọi chuyện đã rõ ràng. Riêng câu Đêm đêm hàn thực ngày ngày nguyên tiêu, xem chừng khó hiểu. Nói chuyện đông khách thì ví như đêm nguyên tiêu (rằm tháng giêng), đêm hội đông vui. Sao tác giả lại viết ngày ngày nguyên tiêu? Nếu thuận lí phải nói: ngày ngày hàn thực (là ngày tết tưởng nhớ một công thần bỏ nhà vua vào ở trong rừng núi. Vua mời mãi, ông (Giới Tử Thôi) vẫn không ra. Vua tức mình cho đốt rừng. Ông một mực chịu chết cháy không chịu nghe lời vua. Ngày ấy, mọi nhà ăn thức ăn lạnh, kiêng không đốt lửa và đêm đêm nguyên tiêu. Sao cụ Nguyễn nói ngược (đêm thành ngày, ngày thành đêm)?
Cuối năm 2000, trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay đã có chuyện bút chiến nho nhỏ. Chúng tôi có khen kiến giải của ông Ngu Minh, ông An Chi không đồng tình và có lời đi, tiếng lại. Ông Ngu Minh cho rằng đây vì để cho hợp vận nên cụ Nguyễn chịu cái điều nói ngược(!) Ông An Chi cho rằng không phải cụ Nguyễn bí vận mà cố ý nói như thế. Ông Ngu Minh lí giải: Tú bà sống trong thanh lâu, sống ngược thiên hạ: lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm.
Chúng tôi thấy 200 năm nay các vị tiền bối chưa lí giải điều này. Nay Ngu Minh có ý mới, xem chừng có lí. Chúng tôi có viết trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 618 – ngày 1-10-2007) khen cách lí giải của ông Ngu Minh: cùng một lời nói, một lời khấn nhưng lời ấy ở người này chứ không phải của người khác.
Nhắc lại chuyện nhỏ trong tranh luận đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu, cũng là một đề xuất, phần quyết định xin dành cho bạn đọc.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)