Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều mặc áo thanh y lần thứ nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Hoạn bà ra uy nạt nộ,
mắng nhiếc, đánh đập Thúy Kiều tàn bạo, mụ ta cho Kiều vào phiên thị tì.
Từ đó, Thúy Kiều mất cả tên mình và chỉ còn hai tiếng hoa nô! Thúy Kiều
bị hạ thấp thân phận ngang bằng với bọn con ở trong nhà bà Hoạn: Ra vào theo
lũ thanh y/ Dãi dầu tóc rối da chì quản bao
! Tóc rối bù và da đen như màu của
chì, cái con người trong ngọc trắng ngà ấy nay đành phải xấu xí, đành phải
khổ sở như ai.
Trong KVKT, mụ quản
gia khuyên Kiều uống huyết công tâm để tan máu bầm và có đôi lời khuyên
giải. Còn cụ Nguyễn, cụ cho mụ quản gia luôn ở cạnh Thúy Kiều: Khi chè chén,
khi thuốc thang
và lời khuyên hãy giữ lấy mình. Rõ ràng mụ quản gia
như biết hết sự tình và có lời khuyên chí lý: Ở đây tai vách mạch rừng/ Thấy
ai người cũ cũng đừng nhìn chi
. (Nguyễn Du cũng từ câu tục ngữ rừng có mạch,
vách có tai
, ý bà quản gia muốn nhắc Thúy Kiều hiện có nhiều kẻ dòm ngó,
theo dõi, phải im hơi lặng tiếng).
Bà quản gia như thấu hiểu nỗi
cay đắng bất công ở đời, bà khuyên: Kẻo khi sấm sét bất kỳ/ Con ong cái kiến
kêu gì được oan
. Những lời chân tình và sâu sắc ấy giúp Thúy Kiều tìm ra
cách sống, cách xử sự lúc nguy nan. Cũng chính vì vậy, khi Kiều báo ân cụ Nguyễn
đã cho Kiều xếp bà quản gia là một trong hai người ân nhân, hai người đều có ân
đức như nhau: Mụ quản gia, vãi Giác Duyên. Xót xa với cơ cảnh của Thúy
Kiều lúc ấy, Nguyễn Du than: Phong trần kiếp đã chịu đầy/ Lầm than lại có thứ
này bằng hai. Lầm than
chữ Hán là đồ thán tức bùn và than. Đời Kiều
lúc này như rơi xuống bùn, sống trên đống lửa. Kiều so sánh với cái khổ ở lầu
xanh, Kiều cho rằng ở đây mới quá khổ, bằng hai lần chốn ấy!
Một nỗi khổ khác lại đến với
Thúy Kiều. Mẹ con Hoạn thư chuyển giao Thúy Kiều như một con ở hèn hạ, không một
chút trọng vì. KVKT viết: “Một hôm, Hoạn tiểu thư về thăm mẹ. Phu nhân
liền gọi hoa nô ra lạy chào.
Tiểu thư hỏi: – Con này đến
đây tự bao giờ? Phu nhân nói: – Nó đến đây đã năm tháng nay, cha con kén nó để
cho về hầu hạ con đó. Mẹ sợ không dùng được, nên hãy giữ nó ở trong phủ, dạy bảo
cho nó một thời gian rồi mới cho sang hầu hạ con. Bây giờ thì nó đã khá, có thể
dùng được rồi. Tiểu thư nói: – Xin đa tạ mẹ! Phu nhân dặn Thúy Kiều: – Hoa nô!
Cho mày sang hầu hạ tiểu thư, mày phải ngoan ngoãn như ở với tao bên này. Đối với
nương tử nhất thiết không được làm việc gì vô liêm sỉ. Nếu có chút tiếng tăm gì
không tốt, tao sẽ bắt về, đánh chết.
Hôm sau Hoạn tiểu thư ra về,
Thúy Kiều bái từ phu nhân rồi lại vào từ biệt mụ già. Mụ già chảy nước mắt,
không nỡ rời Thúy Kiều và dặn dò khe khẽ: – Giữ gìn tính mạng là cần đấy. Chị
phải ghi nhớ là hễ gặp người quen thuộc chớ có nhận mà khốn… Phải nhớ kĩ đấy
nhé!” (lời dịch trên cũng như nhiều chỗ khác trong một loạt bài viết của chúng
tôi đều dựa vào bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh. Chỗ nào có dẫn
nguyên tác là dựa vào bản KVKT chữ Hán do Quốc vụ viện TQ tặng ông Phó
chủ tịch Quốc hội VN, Tôn Quang Phiệt).
Những ý trên Nguyễn Du chỉ viết
vắn tắt: Mẹ con trò chuyện lân la/ Phu nhân mới gọi nàng ra dạy lời/ Tiểu
thư dưới trướng thiếu người/ Cho về bên ấy theo đòi lầu trang/ Lĩnh lời nàng mới
theo sang
… Ở đây, phải công nhận Nguyễn Du đã viết quá đơn giản nếu so với KVKT.
Nguyễn Du chỉ đạt được việc chuyển giao Thúy Kiều nhẹ tênh như chuyển giao một
món hàng. Lời lẽ của mụ Hoạn trong nguyên truyện thật có gang có thép: Nào là mụ
đem ông tể tướng ra để hù dọa, nào là dặn dò nghiêm khắc lại đe nạt đủ điều…
Ngay cả lời dặn của bà già TTTN cũng cho vào lúc cần có. Đó là trước khi từ biệt
Thúy Kiều. Cũng không dám phê phán cụ Nguyễn nhưng kẻ hậu sinh chỉ thấy tiếc nuối!
Lê Xuân Lít

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)