Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều phải làm gái thanh lâu

Tạp Chí Giáo Dục

Thúy Kiều trúng kế đà đao của Tú bà, Sở Khanh, Kiều phải xin chừa chút lòng trinh bạch, phải học bảy chữ, tám nghề và thật sự trở thành gái thanh lâu. Cái khó của Nguyễn Du là phải tả Thúy Kiều làm gái lầu xanh nhưng cô ấy lại là Thúy Kiều. Cái khó thứ hai: Thúy Kiều là cô gái thanh lâu nhưng vẫn là Thúy Kiều thuở nào. Tả hai con người trong một thực thể. Dân ta có bài ca dao diễn tả hai trong một thật tài tình: Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Đầu đội nón dấu vai mang súng dài/ Một tay thì cắp hỏa mai/ Tay kia cắp giáo quan sai xuống thuyền/ Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. Anh lính thú có đủ trang bị hoàn chỉnh một anh lính. Nhưng khi có tiếng trống phải ra đi, con người thứ hai hiện ra: Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã phát hiện bút pháp kỳ tài của bài ca dao này.
Ở đây, trước hết Thúy Kiều là cô gái thanh lâu, nào cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm, nào dập dìu lá gió, cành chim (lá đón gió, cành đón chim), rồi sớm đưa, tối tìm. Khách khứa toàn là những chàng trai si tình: Tống Ngọc, Trường Khanh. Ngoài chuyện phòng the còn nhiều lúc tựa, kề bên nhau. Người đọc còn thán phục tài cụ Nguyễn, chỉ hai câu thơ (14 chữ) mà có cả trăng, hoa, tuyết, nguyệt: Đòi phen gió tựa hoa kề/ Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu. Toàn là cảnh tiêu dao, thanh thản lòng người. Những cảnh ấy lại có tựa, kề, tuyết ngậm, bốn bề… ẩn chứa bên trong là việc ân ái không rời nhau. Cũng cần nói thêm: Nguyễn Du có nhiều chỗ chỉ 14 chữ, hai câu thơ mà tả bốn mùa trong năm. Hai câu liệt kê đủ mặt gia đình…
Người viết xin nhường bạn đọc thẩm định cái tài thơ súc tích, ngắn gọn ấy. Chỉ biết rằng tả cảnh thanh lâu đông khách, cụ Nguyễn cũng đã có lần nói về Đạm Tiên: Xôn xao ngoài cửa, thiếu gì yến anh. Cụ Nguyễn cũng chỉ khái quát ngắn gọn thế thôi, dẫu sao thời Đạm Tiên sống đã xa rồi. Bây giờ, chuyện của Thúy Kiều là chuyện hiện tại. Vì hiện tại ta thấy khách làng chơi tới, lui, ra, vào, tựa vào nhau, kề bên nhau liên hồi kỳ trận.
Nhưng cô gái thanh lâu này không ai khác mà chính là Thúy Kiều. Chỉ Thúy Kiều mới dám làm cái việc: Lầu xanh mới rủ trướng đào/ Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người. Đây là chi tiết thực bởi Kiều sắc nước hương trời, bởi Kiều thơ hay đáng giá thịnh Đường, bởi tiếng đàn của Kiều làm tan nát lòng người…
Như vậy, việc Kiều rủ trướng đào không chịu tiếp khách hẳn là mưu của Tú bà nhưng hình như cụ Nguyễn còn muốn ý này làm điểm tựa cho bao tình ý về sau. Bởi ai tri âm đó, mặn mà với ai, bởi vui là vui gượng. Và, sau này Từ Hải còn hỏi thẳng: Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
Vừa chuẩn bị việc liền mạch văn chương vừa bày tỏ thật một cô Thúy Kiều ở chốn lầu xanh ấy. Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa. Câu thơ tám chữ mà ba chữ mình, mỗi chữ một nghĩa, nghĩa càng biến chuyển người đọc càng xót xa, đòi đoạn.
Chữ giật mình đầu tiên là chuyện chung cho mọi người. Ai đang ngủ mà có âm thanh gì đột ngột đến đều giật mình. Thông thường hai chữ giật mình còn hàm ý sợ hãi, những người ở tâm trạng bất an. Như vậy, hai chữ giật mình đầu tiên, Nguyễn Du cho Thúy Kiều tỉnh giấc ngủ. Khi tỉnh rồi mới nghĩ bao điều đến với mình rồi không ai sẻ chia, chỉ mình thương mình mà thôi.
Tả nỗi đau khi đang ngủ mà tỉnh giấc, nhớ lại khi có lần cụ Nguyễn Du tả nỗi đau khi thức, khi Kiều quyết định bán mình và mọi việc xong xuôi, đêm ấy Kiều đối diện với lòng mình mà xót xa: Một mình với ngọn đèn khuya/ Áo đầm giọt lệ, tóc se mái đầu…
Cùng một hoàn cảnh, cùng tâm trạng những mỗi lúc một khác, Nguyễn Du đã miêu tả biến hóa vô cùng!
(Còn tiếp)
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)