Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều sang nhà trọ của Kim Trọng lần thứ hai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thúy Kiều không nỡ rời xa người yêu, nhưng vắng nhà chẳng tiện ngồi dai, nàng đành tạm biệt chàng Kim. Một dịp may nữa đến với Thúy Kiều (hay của hai người đang muốn gần nhau?): Đến nhà vừa thấy tin nhà/ Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về! Kiều vui mừng liền đến với chàng Kim. Nơi ấy, có người yêu đang đợi. Cái đêm hôm đó, trăng sáng lắm. Nguyễn Du cho trăng sáng vằng vặc để Kim, Kiều dưới trăng nặng lời thề thốt.
Cái đêm thần tiên ấy, nghĩ mà thương cho Kiều. Tuổi trẻ (mới 15, 16 tuổi đầu) đêm hôm một mình đến nhà người yêu! Riêng cái chuyện nữ đáo nam phòng đã là chuyện ái ngại, Kiều lại bước đi dưới ánh trăng ngời sáng. Xấu hổ, tội nghiệp quá! GS. Lê Trí Viễn đã phát hiện: ông trời quá thương Thúy Kiều nên đã che bớt ánh trăng! Cụ Nguyễn dùng những lá cây giảm nhẹ ánh sáng ấy: Nhặt thưa trăng giọi đầu cành! Và, nếu như ánh đèn trong phòng Kim Trọng sáng lòa, Thúy Kiều bước vào cửa với ánh sáng ấy, chắc Kiều phải thẹn thùng lắm. GS. Lê Trí Viễn viết tiếp, Nguyễn Du đã vặn thấp ngọn đèn… (TK: Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu).
Ông Hoài Thanh cho rằng: hai trăm năm sau chúng ta còn ngỡ ngàng trước bước chân của Kiều: Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình! Nhưng bên cạnh bước chân ấy là dáng điệu, là lời nói lịch sự của cô thiếu nữ. Cụ Nguyễn tả Thúy Kiều đến với Kim Trọng bằng tám chữ cực hay: Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần. Bóng trăng đã xế là bóng trăng di chuyển xuống, do đó trăng đã đẩy hoa lê (hay người ngọc Thúy Kiều?) lại gần. Quả cái đêm ấy thần tiên (chữ Lê Trí Viễn)! Và đây là lời nói của người đang yêu: Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải trổ (đánh) đường tìm hoa. Hai chữ hoa thật kín đáo. Vì hoa là vì chàng hay vì tình của đôi ta? Tìm hoa là tìm chàng hay tìm đến tình yêu? Kín ý mà đẹp lời.
Chàng Kim chỉ biết mừng rỡ làm lễ rước vào. Đèn thắp sáng hơn, hương trầm đậm đà hơn. Trong giây phút vừa thiêng liêng vừa cao quý ấy, Kim Trọng đã viết những lời thề thốt của hai người lên một tờ giấy đẹp, giấy hoa tiên. Lúc này Nguyễn Du lại cho ánh trăng tỏa sáng: Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song. Có bản Kiều ghi: Đinh ninh hai mặt một lời song song. Cụ Bùi Kỷ và nhà thơ Tản Đà cho rằng: hai mặt là lúc nào đôi co, cãi cọ. Còn đây là đôi trai gái thề nguyền, nên chọn hai miệng hợp lí hơn.
Kẻ hậu sanh không dám cãi lời bậc tiền bối. Nhưng nếu cho có một ý kiến, chúng tôi xin đề xuất: hai mặt hay hơn. Bởi hai miệng chỉ đạt ý tả thật còn hai mặt lại còn nhiều dư vị về sau. Trước hết, nói hai mặt, tức chỉ Thúy Kiều, Kim Trọng nhưng lại có mặt thứ ba: mặt trăng. Mặt trăng chứng giám cho hai trẻ thề nguyện và mặt trăng còn mãi. Lời thề cũng sống vĩnh hằng với trời đất. Thấy trăng lại nhớ đến lời thề. Trăng thề còn đó trơ trơ/ Dám xa xôi mặt mà thơ thớt lòng. Nguyễn Du cũng có thể viết: Dám đâu cách trở mà thơ thớt lòng, nhưng cụ chọn từ mặt để liên kết với từ lòng ở cuối câu, hay còn ngầm ý dùng từ mặt như đã bàn?
Tất cả những điều trình bày ở trên từ Nhặt thưa trăng giọi đầu cành/ Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu đến dáng đi của Thúy Kiều: Xăm xăm băng lối… Từ hoa lê lại gần đến đài sen nối sáp, song đào thêm hương là của Nguyễn Du sáng tạo với tất cả tài năng, ngôn ngữ, lợi thế của thơ ca và tấm lòng châu báu của đại thi hào. Có lẽ các cụ ngày xưa – những vị quá khắt khe, cứng nhắc – với lễ giáo phong kiến nên mới cấm đàn bà, con gái chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)