Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều thấy và nghĩ gì khi ở lầu Ngưng Bích?

Tạp Chí Giáo Dục

Trước những lời đường mật của Tú bà và nhất là sự hiện diện của Đạm Tiên với thông điệp: Kiều chưa được chết, Kiều phải sống, Kiều đã dằn lòng sống tiếp kiếp nhân quả nặng nề. Tú bà cho Kiều ra ở lầu Ngưng Bích. Sao Thúy Kiều được ở cái lầu sang trọng, đài các ấy? Thứ nhất, Kiều phải được tĩnh dưỡng, phải hồi phục sức khỏe. Thứ hai: Nguyễn Du không nói nhưng ta có thể đoán ý của Tú bà: Kiều phải thấm thía nỗi cô đơn! Đấy cũng là chuẩn bị sự xuất hiện của Sở Khanh mà ngay sau bài này chúng tôi sẽ đề cập đến. Lầu Ngưng Bích, cái lầu tụ họp màu xanh biếc của cây cối và núi sông. Trước đấy không lâu, một hiên Lãm Thúy xuất hiện. Cũng màu xanh cây cỏ, nhưng mỗi nơi một tâm trạng. Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân/ Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung/ Bốn bề bát ngát xa trông/ Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia!
Từ trên tầng cao, mắt Kiều đã thu tóm một không gian rộng lớn. Xem qua, tưởng chúng cũng có đôi, có cặp, dập dìu, gắn bó: non xa, trăng gần – cát vàng – bụi hồng… Nhưng không. Có đôi có cặp đấy nhưng riêng lẻ, đơn côi. Cái núi xa kia, mảnh trăng gần đấy như cùng mang tâm sự đơn chiếc, lẻ loi, ở chung với tâm trạng cô đơn của Thúy Kiều. Còn trên mặt đất? Cồn cát đã được ánh mặt trăng trải một màu vàng, đất bụi nơi xa xôi ấy như đi về đâu. Một chữ nọ, một chữ kia (cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia) đã đẩy cái không gian như rộng thêm ra như một sự xa lánh!
Vẫn bút pháp quen thuộc của cụ Nguyễn: cảnh ấy tất phải có tình kia. Đã cô đơn, buồn chán tất phải nhớ nhà, nhớ người yêu. Mà cảnh như vậy, tình của Kiều như thế, nỗi nhớ người yêu phải đến trước: Tưởng người dưới nguyệt chén đồng/ Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bởi tại lầu Ngưng Bích có tấm trăng gần nên Thúy Kiều lại nhớ cảnh hai người (Kiều và Kim) dưới ánh trăng cùng uống chén rượu thề nguyện đồng tâm. Buốt giá với nỗi nhớ, Kiều lại xót thương cho chàng Kim. Chàng luôn mong ngóng đến ngày cưới nhau. Tin sương (sương tín), mỗi năm khi tiết sương xuống báo hiệu mùa thu về, cũng là lúc con gái rời nhà cha mẹ về nhà chồng. Cái ngày vui vẻ hạnh phúc ấy chắc chàng Kim đã rày trông, mai chờ.
Chỉ 14 chữ mà vẽ cả một mối tình!
Rồi, cũng khung trời cô đơn ấy, Kiều nghĩ đến cha mẹ đã bao ngày xa cách, nắng mưa biền biệt vắng tin con trong cái tuổi già cứ ập đến!
Nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, Thúy Kiều trở lại với thực tại đau lòng: Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?/ Buồn trông nội cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt nước một màu xanh xanh / Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi!
Sau mỗi chữ buồn trông là một cảnh não nuột, buốt giá. Ai trong lòng có nỗi buồn, khi chiều về nhìn cửa bể lại không nao nao lòng. Hơn thế, từ cửa bể buồn bã ấy những cánh buồm nhìn không rõ kia, xa vời kia lại cứ về nơi nao. Cũng trong nơi xa xôi ấy, một ngọn nước mới sa, một bông hoa trôi trên dòng nước không biết về đâu… Cảnh buồn từ những chi tiết nhỏ, bỗng òa lên chiếm giữ cả cỏ cây, cả chân mây mặt đất… Đó là lúc cao độ của nỗi buồn. Bởi buồn và buồn nên Thúy Kiều bỗng hoảng sợ cho cái thân phận mình: Gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Một sự hãi hùng như báo trước, như cố tình vây lấy đời Kiều. Tiếng sóng ầm ầm đã vây quanh Thúy Kiều! Tiếng sóng lầu Ngưng Bích hay tiếng sóng trên sông Tiền Đường, một liên tưởng ngầm nhưng nhói đau lòng người đọc.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)