Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều trở về với nỗi đau riêng mình

Tạp Chí Giáo Dục

Thúy Kiều lấy đồng tiền bán thân cứu cha, cứu em và cả gia đình. Việc kiện tụng đã xếp lại, gia đình tạm yên ổn, chính lúc này mới là lúc sóng gió nổi lên trong lòng Kiều. Khác với TTTN, Nguyễn Du cho Thúy Kiều lo xong việc nhà mới nghĩ đến chuyện riêng. Khi cả nhà đã yên giấc ngủ, một mình nương ngọn đèn khuya (chữ nương là của bản Kiều Đào Duy Anh, các bản Bùi Kỷ, Tản Đà, Chiêm Văn Thị, Nguyễn Văn Anh đều viết: một mình nàng, ngọn đèn khuya). Vậy nếu được phép chọn, ta bằng lòng với chữ nương hay nàng? Theo chúng tôi, câu thơ một mình nàng, ngọn đèn khuya đọng hơn, sâu lắng hơn. Bởi có Thúy Kiều, có ngọn đèn đấy nhưng hai vật thể tách rời nhau, cô quạnh. Hai nhưng chỉ là một, một nỗi cô đơn! Còn nương, Kiều nương tựa vào ngọn đèn, Kiều còn có chỗ dựa, dầu chỗ dựa ấy quá bé bỏng, vô cảm, đơn chiếc. Mà, với ngọn đèn đến đây, trong mối tình với Kim Trọng, ngọn đèn đã ba lần xuất hiện. Khi ngọn đèn chung cho cả hai người, lúc ấy Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng, ngọn đèn được nối sáp, được tỏa sáng cho hai người viết lời thề nguyền. Rồi, ngọn đèn xuất hiện gắn bó với chàng Kim khi chàng ngồi nghe Kiều đánh đàn: ngọn đèn khi tỏ, khi mờ! Giờ đây ngọn đèn lại đến riêng với Thúy Kiều. Chỉ sáu chữ, câu thơ diễn tả đầy đủ sự cô quạnh, nỗi riêng tư mà Kiều đã cất giấu sâu thẳm trong tim. Giờ đây, đã đến lúc Thúy Kiều phải đem ra và nhận rõ lòng mình. Phận rầu, dầu vậy cũng dầu/ Xót người đeo đẳng bấy lâu một lời. Cái thân phận đáng buồn lo, buồn rầu của mình, thôi đành vậy. Chỉ xót thương cho chàng Kim đeo đẳng bấy lâu với một lời duy nhất. Lần nữa, một Thúy Kiều, một cô gái Việt Nam hiện ra. Với tất cả vẻ đẹp của một tính cách, một đạo lý ở đời. Nếu trước đây, Kiều đã hy sinh thân mình cứu gia đình, giờ đây, nàng cũng cam chịu tất cả. Thúy Kiều chỉ quan tâm, thương xót cho bạn tình. Nỗi thương xót ấy, trước hết, Thúy Kiều tự trách mình. Công trình kể xiết mấy mươi/ Vì ta khăng khít cho người dở dang/ Thề hoa chưa ráo chén vàng/ Lời thề thôi đã phũ phàng với hoa/ Trời Liêu non nước bao xa/ Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi.
Sao lại tự tôi? Rõ ràng trong ý nghĩ, Kiều không hề nói chuyện do gia đình tai biến mà nàng phải vì nghĩa cứu cha… Nàng chỉ nhận lỗi về mình, cái lỗi phũ phàng với lời thề! Hai chữ hoa trong đôi lục bát: Thề hoa chưa ráo chén vàng/ Lời thề thôi đã phũ phàng với hoa cũng chỉ là cách nói đẹp lời đẹp ý. Nhưng nhớ lại ngày nào Kiều đến với Kim: Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa, các từ hoa lặp lại ấy như một ngụ ý, một thứ keo dính ý tứ trước sau.
Sau khi gánh chịu tất cả lỗi lầm làm cho tình duyên ngang trái, Kiều chỉ biết mong đợi một kiếp sau. Mà kiếp sau ấy không phải để yêu nhau mà Kiều sẽ làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. Đành rằng quan niệm thời ấy: người mang nợ chưa trả được đời này, đời sau phải làm trâu ngựa để kéo cày, hầu hạ người ta. Nhưng Kiều suy nghĩ sao mà tội nghiệp, đáng thương. Giá vì tiền, vì người khác giàu sang mà Kiều bỏ Kim thì Kiều mới có tội, mới mang nợ ái tình. Còn đây…
Đoạn thơ từ câu: việc nhà đã tạm thong dong cho đến dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn là đoạn tiền đề cho việc Thúy Kiều trao duyên lại cho Thúy Vân. Có đau xót, có than thở tự trách mình, có khóc lóc sầu thảm trắng đêm mới dẫn đến chuyện cậy em em có chịu lời. Nếu ta bỏ đoạn này mà kết nối: Việc nhà đã tạm thong dong/ Tinh kỳ giục giã đã mong độ về/ Một mình nàng, ngọn đèn khuya/ Áo đầm giọt lệ, tóc xe mái sầu (bỏ 16 câu và nối) Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân… Đoạn thơ ý tứ sẽ không diễn biến hợp lí, mạch văn bị lỏng, tứ văn sẽ chông chênh.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)