Nguyễn Du viết cuộc đời Kiều thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, đó là cụ Nguyễn nói cái đau khổ có mức độ đau lòng, đứt ruột, chứ thật ra còn nhiều hai lần lắm. Hai lần trốn chạy, hai lần đi tu, hai lần lấy chồng, hai lần tự tử… tất cả đều không thoát khỏi số kiếp đoạn trường. Có lần chúng tôi có đề cập đến hai chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã cho mỗi người một từ khuôn. Thúy Vân: Khuôn trăng đầy đặn, ấy là Thúy Vân được đúc trong cái khuôn công, dung, ngôn, hạnh. Còn Thúy Kiều: Mẹo lừa đã mắc vào khuôn, tức Kiều bị trời trói chặt vào cái khuôn định mệnh. Kiều hai lần chạy trốn, hai lần lấy chồng, hai lần tự tử… đều là cách mong mỏi thoát khỏi cái khuôn ác nghiệt ấy.
Ở đây, chỉ nói đến lần thứ hai Thúy Kiều chạy trốn, trốn khỏi nhà Hoạn thư. Kiều kinh hãi khi biết thêm một sự thật về Hoạn thư. Hoạn đã biến nơi Kiều ở là miệng hùm, nọc rắn. Hoạn có thể bắt bớ, đánh đập, thậm chí giết Kiều bởi rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa! Kiều định nhờ Thúc sinh giúp mình chạy trốn, Thúc đã từ chối. Không còn ai lo cho mình được, phải tự lo thôi. Mà cuộc đời đã quá nhiều cơ cực, đắng cay dẫu có phải cay đắng thế nào, cũng là đắng cay. Cụ Nguyễn viết hai câu thơ chua xót: Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh! Tấm thân cực khổ, lưu lạc, Nguyễn Du ví như cánh bèo, trôi theo dòng nước chảy, không có quyền chọn lựa. Cũng như thân con gái (và nhất là cái thân đã đem bán cho người khác như Thúy Kiều) đâu có quyền chọn dòng nước. Trong hay đục, gặp đâu biết đấy. Câu thơ sáu chữ Phận bèo bao quản nước sa làm tiền đề cho Nguyễn Du viết câu tám chữ: Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh. Hai chữ lênh đênh mở đầu và khóa lại câu thơ như nỗi đau không lối thoát.
Dứt khoát phải thoát ra khỏi nhà Hoạn thư nhưng ra đi với hai bàn tay trắng làm sao sống được? Kiều đành đánh cắp một ít đồ thờ quý giá và ra đi. Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo bóng trăng tà về tây. Sao Thúy Kiều phải lần đường? Lần tức là mò mẫm dè dặt đi từng bước. Chỉ có những người mắt kém hay mù lòa mới lần đường. Thúy Kiều không biết đi về đâu, ở đây là chốn nào, chỉ biết lần mò tới đâu hay đấy.
Đến đây, Kiều giật mình cho thân phận mình. Mịt mù dặm cát đồi cây, trên đường xa vô định, không một bóng người. Lần trước, tuy rơi vào tay bịp bợm Sở Khanh nhưng Kiều đi trốn còn có hắn một bên, ngựa trước ngựa sau… Bây giờ Kiều thân cô thế cô đi trong đêm khuya vắng lặng. Có một tiếng gà nhưng đó là tiếng gà báo hiệu sang canh, trời sắp sáng, cũng có một chiếc cầu nhưng sương trắng phủ đầy: Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương!
Nhớ lại lần Thúy Kiều theo Mã giám sinh về thanh lâu cũng qua một chiếc cầu: Nàng thì cõi khách xa xăm/ Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây. Cầu này, tuyết phủ đầy, toàn là băng giá! Hai lần đến cõi đau lòng, hai lần đều qua cầu. Một cầu băng tuyết, một cầu đầy sương! Sau này, nhận xét cuộc đời Thúy Kiều, vãi Giác Duyên nói: Ma đưa lối, quỷ đem đường. Vậy ma quỷ trong Truyện Kiều là ai? Phải chăng nàng Đạm Tiên vẫn theo sát cuộc hành trình vào bể trầm luân của Thúy Kiều? Mà, tả nhân vật Đạm Tiên Nguyễn Du viết: Sương in mặt, tuyết pha thân. Có lẽ là sương và tuyết ấynay hiện hữu trên đường Thúy Kiều đang đi.
Nhận xét về sáu câu thơ: Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo bóng trăng tà về tây/ Mịt mù dặm cát đồi cây/ Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương/ Canh khuya thân gái dặm trường/ Phần e đường sá phần thương dãi dầu, nhà thờ Tản Đà viết: “Sáu câu đây lại tả Thúy Kiều đi đêm một lần nữa, mà lần này đi một mình, tình cảnh thê lương, đáng vì người đàn bà con gái ấy mà thương sợ. Đọc sáu câu này, lại nhận lại sáu câu ở chỗ Kiều đi đêm lần trước: Cùng nhau lẻn bước xuống lầu/ Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn/ Đêm thâu, khắc vợi canh tàn / Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương/ Lối mòn cỏ lợt màu sương/ Lòng quê đi một bước đường một đau thời thấy hai cái tình cảnh khác nhau mà cùng một văn bút. Tác giả thật quá tài tử thay!”.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)