Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều tự tử lần thứ nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi mụ Tú bà hạ nhục Thúy Kiều bằng những lời chửi mắng bỉ ổi, tục tĩu, mụ Tú liền sấn vào đánh đập Thúy Kiều. Mụ dùng cái roi bằng da (bì tiên), ra tay không thương tiếc. Trước đấy, cụ Nguyễn đã cho mụ nổi cơn thịnh nộ, đã cho ba thần độc ác hiện lên trong mụ Tú. Đủ biết việc đánh đập Thúy Kiều không một chút nương tay. Thúy Kiều chỉ biết kêu lên: Trời thẳm, đất dày (trời thì ở xa, đất thì dày, khó mà hiểu thấu nỗi đau của Kiều)/ Thân này đã bỏ những ngày ra đi. Và, mọi việc đã quá rõ ràng, đời Kiều đã không còn lý do gì vướng víu, tồn tại. Nguyễn Du hạ một câu: Thôi thì, thôi có tiếc gì. Hai từ thôi liên tiếp đã dứt mạch sống của Thúy Kiều. Nàng đã ra tay kết thúc cuộc đời một cách dứt khoát, nhanh gọn.
Hai vấn đề được đặt ra:
Một là dao ở đâu mà giúp Thúy Kiều sẵn sàng tự tử? Ta cần nhớ lại: Cái đêm theo Mã giám sinh đến trú phường, Kiều đã biết rõ mình bị lừa, bọn chúng là con buôn. Nàng đã định tự tử ngay cái đêm hôm ấy. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nàng sợ liên lụy đến cha mẹ nên đành ghìm lòng chờ dịp khác. Như vậy, Nguyễn Du đã chuẩn bị chu đáo cho một kết cục buồn thảm của đời Kiều.
Hai là việc Thúy Kiều tự tử, xét trên logic cuộc sống có thỏa đáng, có “tiểu thuyết” hóa không? Phải nhớ lại ngày Kiều chưa bán thân vào nhà họ Mã, nào là êm đềm trướng rủ màn che, nào nhìn hoa bóng thẹn, nào một làn gió thoáng qua, da Kiều đã thẹn thùng. Nay sự đời trâng tráo, bẩn đục.
Một cô gái nết na, thùy mị, con một gia đình có giáo dục hẳn không thể sống khi cuộc sống hèn hạ, đê tiện, bẩn thỉu đổ dồn lên một thân phận liễu yếu đào tơ. Kiều đã một dao oan nghiệt dứt dây phong trần.
Thực ra, tất cả những chi tiết về cái chết của Thúy Kiều trong Kim – Vân – Kiều truyện (KVKT) đều có. Từ việc ở trú phường nàng toan tự tử nhưng sợ liên lụy cha mẹ đành nén dằn lòng chờ dịp đến việc giấu con dao ở chéo khăn rồi Tú bà đánh đập mắng nhiếc. Và, ở đoạn này Kim Thánh Thán có lời bình thật hay (KVKT có 20 hồi, trước mỗi hồi đều có lời bình của Kim Thánh Thán, một nhà bình luận văn học nổi tiếng của TQ). Ông viết: Sống chết cần tính toán trước, tính toán chết cũng không phải việc dễ, cho nên những bậc trung thần nghĩa sĩ lâm cơn nguy nạn, không hề thay đổi tấm lòng, sẵn sàng chịu đựng. Không tính toán chết mà chết, thì khóc lóc chốn buồng the tỏ ra biết bao nhiêu thói thường nhi nữ. Thúy Kiều vừa bị Tú bà đụng chạm đến, liền đâm cổ liều mình ngay, ấy là tính toán đã lâu rồi. Giả sử lúc ấy mà chết, thì tấm thân há chẳng phải sạch sẽ hơn ư? Song kiểm điểm lại danh tiết, chỉ có thể thấy sạch mình là sạch mình, mà không thấy được nhục mình cũng chính là sạch mình vậy… Thánh Thán nói hai ý: Một là sống hay chết ở những bậc trung thần nghĩa sĩ đều có tính toán. Nếu khóc lóc ở buồng the rồi mòn mỏi mà chết đi, ấy là nhi nữ thường tình. Hai là quan niệm sạch sẽ của một con người. Nếu Kiều chết trước lúc Mã giám sinh giở trò chăn gối thì chỉ là sạch ở thân. Nhưng bị nhục nhã mà tỏ rõ ý chí trong sạch ấy là nhục mình cũng chính là sạch mình.
Chúng tôi đưa lời bình của Thánh Thán để bạn đọc (cũng như tất cả chúng ta) nhận rõ thêm một điều. Nguyễn Du dựa vào KVKT, một cuốn sách sáng giá chứ không phải quá tầm thường như ta thường nghĩ. Nếu cuốn sách tầm thường không bao giờ Thánh Thán chịu hạ bút bình kỹ càng, chi li như vậy. Phải nhận rõ là Nguyễn Du tiếp thu KVKT và cả lời bình của Thánh Thán. Đó là thuận lợi cho đại thi hào khi viết Truyện Kiều. Nhưng đó cũng là một khó khăn lớn: Nguyễn Du phải vượt lên trên hai tư liệu ấy. Âu cũng là trách nhiệm đặt ra cho các nhà nghiên cứu, bình giảng Truyện Kiều!
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)