Dù xuất khẩu năm 2008 đạt 4,5 tỉ USD, vượt ngoài mong đợi nhưng tại hội nghị xuất khẩu năm 2009 tổ chức ngày 16-1, các thành viên của Hiệp hội Chế biến thủy sản (Vasep) lại bàn về những thách thức mới khi xuất khẩu có nguy cơ giảm ít nhất 30%.
Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải cho biết đến cuối năm 2008, nhiều dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản đã ngừng lại do khó khăn về tài chính. Không còn người dân nuôi tôm trái vụ. Nhiều nhà máy chế biến giảm 50-60% công suất. Dự đoán sau tết có khoảng 30.000 công nhân không có việc làm.
Xuất khẩu, chưa có chứng từ vẫn được hoàn thuế
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bằng cách sớm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho DN xuất khẩu, áp dụng cho hồ sơ hoàn thuế từ 1-1. Theo đó, thay vì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng như trước đây, nay DN chỉ cần thực xuất khẩu, thì ngay cả khi phía đối tác chưa thanh toán, tiền chưa về VN, DN vẫn được hoàn trước tới 90% số thuế GTGT đã nộp. Khi có chứng từ thanh toán từ nhà nhập khẩu, DN sẽ được nhận nốt 10% còn lại.
Nếu hợp đồng xuất khẩu có ghi rõ phương thức thanh toán là chậm trả, DN sẽ được hoàn ngay 100% thuế đầu vào. Sau khi nhận được hồ sơ xin hoàn thuế GTGT của DN, tối đa bảy ngày làm việc, cơ quan thuế phải tạm hoàn 90% thuế cho DN và hoàn nốt phần còn lại trong không quá bốn ngày làm việc khi DN có chứng từ thanh toán.
C.V.KÌNH
|
Ông Lê Văn Quang – tổng giám đốc Công ty CP thủy hải sản Minh Phú, phó chủ tịch VASEP – dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2009 có thể giảm ít nhất 30% so với năm 2008. Nguyên nhân là do các thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ, EU đang chịu khủng hoảng tài chính. Các thị trường mới như Nga, Ukraine, Hàn Quốc không ổn định và sức mua của các thị trường đồng loạt giảm.
Ông Ngô Phước Hậu – tổng giám đốc Agifish, chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt – nói về khó khăn bên trong, đó là nhiều nông dân bị thua lỗ trong năm 2008 và giảm diện tích nuôi. Nguy cơ thiếu nguyên liệu cá tra, ba sa trong sáu tháng đầu năm là rất lớn. Hiện có 50% diện tích ao chưa nuôi thả. Ông Hậu đề nghị dự kiến sản xuất cá tra năm 2009 sẽ chỉ khoảng 1 triệu tấn nguyên liệu (năm 2008 là 1,65 triệu tấn) và giá trị xuất khẩu còn 1 tỉ USD (năm 2008 là 1,48 tỉ USD).
Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, e dè hơn khi cho rằng như thế là cao so với khả năng sản xuất vì hầu hết người nuôi cá tra đều hết vốn, tiền lãi các vụ năm 2006-2007 đã mất hết vào năm 2008.
Phải giảm giá thành
Một trong những biện pháp cơ bản mà VASEP đưa ra để đối phó với tình hình khó khăn 2009 là giảm giá thành sản xuất trong các khâu từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu. Ông Trần Thiện Hải cho rằng giá xuất khẩu thủy sản VN năm 2009 chắc chắn sẽ giảm. Vì vậy, giảm giá thành là giải pháp để ngành thủy sản VN vượt khó. VASEP đưa ra dự kiến sẽ giảm giá nuôi nguyên liệu trong năm 2009 khoảng 11.000-12.000 đồng/kg.
Bài toán khó khi giảm giá thành là thức ăn thủy sản chiếm tới 70-80% giá thành. Thời gian qua, giá nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh nhưng giá bán thức ăn thủy sản giảm không tương xứng. Các doanh nghiệp sản xuất lấy lý do đã nhập nguyên liệu giá cao và mức tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh nên chưa giảm giá bán ngay được. Nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến lo ngại rằng nếu cứ giữ giá cao sẽ chết ngành thủy sản.
Một giải pháp khác đó là giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản còn 0 hoặc 0,5% để bình ổn sản xuất trong nước.
Ông Lê Văn Quang cho biết thời gian qua đã tìm mua thức ăn thủy sản từ nước ngoài. Đối tác Thái Lan chào giá khoảng 700 USD/tấn, sau bớt còn 650 USD/tấn giao hàng tại VN và cho chậm trả 180 ngày. Nếu so với giá của VN 16.000 đồng/kg thì giá nhập từ Thái Lan chỉ có 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều. Vẫn theo ông Quang, giá thức ăn, tôm giống tăng trong khi giá tôm nguyên liệu giảm mạnh làm người nuôi không có lời. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài đến năm 2009 sẽ có nhiều nông dân bỏ nghề.
Cơ hội tìm thị trường mới
Ngoài giảm giá thành, các doanh nghiệp cũng tính đến việc chinh phục những thị trường mới. Ông Trần Thiện Hải cho rằng giá xuất khẩu sẽ giảm cũng có nghĩa vừa với sức mua của nhiều người, đó chính là cơ hội để hàng thủy sản VN nâng cao hình ảnh và thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Còn theo ông Ngô Phước Hậu, nên tập trung vào các thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi vì nơi đây yêu cầu giá phải có tính cạnh tranh với cá thịt trắng của các nước khác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết Chính phủ và Bộ NN&PTNT đang có nhiều biện pháp hỗ trợ người nuôi và chế biến cá. Trong 10 kiến nghị của VASEP gửi Thủ tướng có chín kiến nghị đang được từng bước giải quyết. Riêng Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường quản lý chất lượng và hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, đàm phán với các nước như Nga, Mỹ để giải quyết những khó khăn trong xuất khẩu…
TRẦN MẠNH (TTO)
Bình luận (0)