Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tỉ lệ HS không xét tuyển ĐH tăng: Đâu là nguyên nhân?

Tạp Chí Giáo Dục

Đánh giá như thế nào v câu chuyn t l hc sinh không đăng ký xét tuyn ĐH tăng trong năm nay? Đây có thc s là kết qu đáng mong đi bi vic phân lung hc sinh phát huy tác dng hay đáng lo hơn khi đó là s phân lung t phát? Chúng tôi xin đưa ra mt vài nguyên nhân, đ t đó có cái nhìn toàn cnh hơn v vn đ này.

1. Bão hòa ĐH đã không còn là câu chuyện xa lạ trong những năm qua. Nhiều trường CĐ cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp vùng được nâng cấp lên, cho phép đào tạo bậc ĐH. Các trường ĐH khối ngoài công lập cũng đang dần nâng cao thị phần; không chỉ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mà còn ở khu vực vùng, ở các địa phương có thế mạnh về đất học, có nhiều nguồn tuyển sinh. Sự phát triển này đã giúp cánh cửa bước vào ĐH được mở rộng hơn bao giờ hết. Người học không cần thiết phải đi học xa nhà hàng trăm cây số vẫn có thể trở thành tân sinh viên ngay tại địa phương mình. Tuy vậy, bức tranh hậu tốt nghiệp ĐH dường như không có được những cảnh sắc như kỳ vọng của người học và phụ huynh. Tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân, kỹ sư vừa ra trường vẫn đang là thách thức, khó khăn của xã hội, từ các đô thị lớn đến những đô thị vệ tinh, và cả khu vực nông thôn. Đầu tư biết bao công sức, tiền bạc và mấy năm dài của tuổi thanh xuân nhưng lại không có được kết quả như mong đợi là cảnh tượng thất vọng nhãn tiền mà học sinh, phụ huynh đã thấy được trong các năm qua.

2. Công tác giáo dục ĐH vẫn còn là vấn đề đáng bàn, khi mà chất lượng đào tạo dường như không tỷ lệ thuận với sự phát triển về số lượng. Trường ĐH mở nhiều, ngành học cũng mở nhiều nhưng tính tương thích ứng dụng việc làm chưa cao, nội dung thực hành chưa đươc quan tâm phù hợp, còn lạc hậu so với thực tế công việc của nghề nghiệp. Các đơn vị tuyển dụng, các cơ quan doanh nghiệp vẫn thường xuyên than phiền vì phải đào tạo lại tân cử nhân để có được nhân sự đúng nghĩa, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Thế nên, để thành thạo kỹ năng nghiệp vụ nghề nghiệp, ra trường chắc chắn có việc làm ổn định, rõ ràng người học sẽ chọn con đường ngắn hơn để đi. Và hướng đi vào ĐH vừa tốn kém thời gian, vừa nặng nề tài chính, vừa áp lực học tập có thể đã không còn được người học mặn mà.  

3. Bên cạnh đó, câu chuyện người học khước từ cánh cửa đến với giảng đường, phải chăng còn bởi lòng tin với quy trình xét tuyển? Việc giải quyết chậm trễ đến khó hiểu về vấn đề tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa qua cũng phần nào tác động đến cách nhìn của xã hội, trong đó có phụ huynh, và đặc biệt là các em học sinh về tính minh bạch, sự an toàn đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sắp đến, mặc cho sự cam kết quyết liệt của các bên có liên quan trước kỳ thi. Đã gần một năm trôi qua kể từ khi những sai phạm bị phát hiện đến ngỡ ngàng chấn động nhưng vẫn còn đó một loạt những tranh luận chưa có hồi kết về trách nhiệm và các phương án xử lý đối với các hành vi vi phạm cũng như đối tượng vi phạm. Điều này càng khiến cho những ai quan tâm đến giáo dục thêm phần ngán ngẩm. Và một khi lòng tin bị đánh cắp, sự mong mỏi bị phai nhạt dần theo thời gian, thì thật khó lòng để phục hồi trong ngày một, ngày hai.

Trn Xuân Tiến

 

Bình luận (0)