Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TỈ LỆ TỐT NGHIỆP THPT 2011: Bất thường đến giật mình!

Tạp Chí Giáo Dục

  Nhiều nhà giáo dục đã giật mình ngỡ ngàng trước tỉ lệ tốt nghiệp THPT “đẹp như mơ” vừa được các sở GD-ĐT hoàn tất việc công bố vào hôm qua, 18-6
Theo kết quả do ông Phạm Xuân Hồng,  Phó Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Sở GD-ĐT Phú Thọ, công bố ngày 18-6, kết quả tốt nghiệp hệ THPT của tỉnh lên đến 99,21%. Con số này tuy cao nhưng vẫn còn thấp hơn tỉ lệ tốt nghiệp của hệ giáo dục thường xuyên (GDTX): 99,37%. Phú Thọ cũng có tới 21 trường có học sinh đỗ tốt nghiệp 100%. Tỉ lệ tốt nghiệp của Phú Thọ cao hơn hẳn Hà Nội và TPHCM, những địa phương luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng dạy và học.
Tăng đột biến
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Nội là 97,79% và hệ GDTX là 97,10%. Ở TPHCM, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT đạt 96,67%, hệ GDTX đạt 76,20%.
Đáng ngạc nhiên là một tỉnh có điều kiện còn khó khăn như Kon Tum cũng có tỉ lệ tốt nghiệp không kém gì Hà Nội. Năm nay, có tới 97,31% học sinh THPT của tỉnh này đỗ tốt nghiệp; hệ GDTX tỉ lệ đỗ là 62,80%, tăng đột biến so với năm 2010 (chỉ 35,66%). Điều đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, 93,71%.

Học sinh xem điểm thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM. Ảnh: HUY LÂN

Có 8 trường ở Kon Tum tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất là Trường Dân tộc Nội trú huyện Kon Plông, 72,91%. Cần Thơ cũng có 8.131/8.289 thí sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 97,74% (tăng hơn năm ngoái 12%), hệ GDTX có 1.426/2061 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 69,18% (tăng khoảng 15% so với năm 2010), trong đó có 3 thí sinh đạt loại giỏi và 15 thí sinh loại khá.
 Thanh Hóa cũng có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lên đến 99,23% đối với hệ THPT và GDTX đạt 99,79%, cao hơn hẳn so với năm ngoái (khối THPT đạt 98,68%, GDTX đạt 94,22%). Không thua kém, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cũng thông báo tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT của tỉnh này là 99,14%, GDTX là 97,61% (năm 2010 là 77%). Theo thông báo của Sở GD-ĐT Nam Định, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT của địa phương này là 99,89%, hệ GDTX là 99,92%, cao nhất cả nước…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 cũng được ghi nhận là kỳ thi có số hội đồng tốt nghiệp 100% rất nhiều, không chỉ ở hệ THPT mà còn ở hệ GDTX – vốn không được đánh giá cao về chất lượng.
Thực chất đến đâu ?
 Trước tỉ lệ tốt nghiệp “đẹp như mơ” năm nay, rất nhiều nhà giáo dục phải đặt câu hỏi: Liệu kết quả này có phản ánh đúng chất lượng giáo dục? Cho dù ngay sau kỳ thi tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định ngành giáo dục không “nới tay” cho thí sinh để có một kết quả thi tốt nghiệp đẹp trong cả khâu coi thi cũng như ra đề.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh-Hà Nội, đặt vấn đề kết quả này thực chất đến đâu vẫn là điều chúng ta phải xem xét bởi nhiều nơi phao thi vẫn trắng sân trường. Giáo viên của Trường THPT Lương Thế Vinh tham gia chấm thi môn toán đã phát hiện có phòng thi bài làm giống hệt nhau, cả sai lẫn đúng. Như vậy là có căn cứ để nghi ngờ sự nghiêm túc ở khâu coi thi.
Một giáo viên khác được điều động làm cán bộ coi thi cho biết trước kỳ thi ông đã được các đồng nghiệp khác nhắc nhở “nương tay” cho thí sinh, vì làm chặt là “đóng sập cánh cửa vào đời của học trò”. Nhiều khi nhìn thấy học trò vô tư quay bài, nhiều giáo viên vẫn lờ đi như không thấy để các em có được tấm bằng tốt nghiệp. Giáo viên này cho biết thêm những năm trước, khi thanh tra ủy quyền của bộ còn cắm chốt tại các hội đồng, kỷ luật phòng thi được siết chặt. Hai năm gần đây, số thanh tra ủy quyền của bộ giảm xuống và sự nghiêm túc cũng giảm xuống thấy rõ.
Cần xem lại cách tổ chức thi
Nhìn vào tỉ lệ tốt nghiệp năm nay, PGS Văn Như Cương cho rằng tuy ông đã dự kiến trước được kết quả thi sẽ cao (vì đề dễ, vừa sức học sinh) nhưng không ngờ lại cao bất thường như vậy, nhất là ở các hội đồng thi GDTX, vốn có tỉ lệ đỗ cực thấp. Với kinh nghiệm nhiều năm làm giáo dục, PGS Cương cho rằng việc các hội đồng GDTX có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn hẳn THPT là điều đáng để Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan quản lý phải lưu tâm.
Nếu các tỉnh đều đỗ tốt nghiệp cao như vậy thì Bộ GD-ĐT nên xem xét phương án để các địa phương tự chủ trong việc tổ chức thi. Có khi với cách này, tỉ lệ tốt nghiệp ở các tỉnh còn thấp hơn khi tổ chức kỳ thi chung của bộ. “Cần phải xem lại cách tổ chức kỳ thi, nếu đỗ thật mới mừng, chứ đỗ nhờ quay cóp, dễ dãi thì cần lấy làm xấu hổ”- PGS Văn Như Cương nhận xét.

Theo Yến Anh 

(nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)