Zimbabwe dẫn đầu châu Phi với vị trí là đất nước có tỉ lệ người biết chữ cao nhất (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Dù đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp khác nhau cùng với sự nỗ lực tối đa của các quốc gia với hy vọng tình hình xóa mù chữ trên thế giới sẽ trở nên khả quan hơn. Tuy nhiên, hiện có khoảng 796 triệu người trưởng thành không có những kỹ năng đọc, viết tối thiểu. Điều này có nghĩa cứ 6 người lớn sẽ có 1 người mù chữ. Ngoài ra, có đến 67,4 triệu trẻ em không được đến trường và nhiều học sinh không đến lớp thường xuyên hoặc bỏ học giữa chừng.
Ngày 8 tháng 9 năm 1965 được UNESCO công bố là “Ngày xóa mù chữ thế giới” và được tổ chức lần đầu vào năm 1966. Người dân biết đọc, biết viết là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển quốc gia. Vai trò của giáo dục đã được đặt lên hàng đầu trong “Tám mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ” (MDGs) được tài trợ bởi Liên hiệp quốc. Trong đó giáo dục tiểu học toàn cầu đứng thứ hai trong danh sách này. “Biết đọc, biết viết là quyền của con người, là công cụ gia tăng sức mạnh cá nhân và phương tiện cho việc phát triển con người và xã hội” – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc của UNESCO đã nhấn mạnh như vậy. Theo đó các cơ hội giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng đọc, viết. Điều này chính là trọng tâm của nền giáo dục cơ bản cho tất cả mọi người. Giáo dục còn cần thiết để loại trừ tận gốc cái nghèo, giảm tỉ lệ tử vong trẻ em, hạn chế sự gia tăng dân số, đạt được công bằng về giới và đảm bảo sự phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ.
Có được sự giáo dục cơ bản chất lượng tốt sẽ trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để sử dụng trong cuộc sống và đáp ứng tốt trong trường hợp học sinh tiếp tục học ở bậc cao hơn. Cha mẹ có học vấn thường sẽ cho con mình đến trường và những người biết đọc, biết viết sẽ dễ tiếp cận những cơ hội giáo dục khác. Ngoài ra, một xã hội được giáo dục sẽ phát triển nhanh và tốt hơn.
Theo đánh giá của UNESCO, Canada hiện đang đứng đầu thế giới về giáo dục bậc cao dành cho người trưởng thành. Theo báo cáo về việc hoàn thành chương trình học bậc cao năm 2010 của Ủy ban Học tập để thành công tại Mỹ thì Canada đang dẫn đầu những nước phát triển trong lĩnh vực đào tạo bậc cao trong nhóm dân số trọng yếu của quốc gia (độ tuổi từ 25 đến 34). Tiếp theo sau đó là các nước Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, New Zealand, Ireland, Na Uy, Israel, Pháp, Bỉ và Úc. Báo cáo này xếp Mỹ ở hạng 12 theo nhóm tuổi này, đây là “một sự trượt dốc đáng báo động”. Tuy nhiên, Mỹ vẫn xếp hạng cao ở các nhóm tuổi khác: xếp thứ 6 ở bậc học sau cấp 2 cho độ tuổi từ 25 đến 64 và xếp thứ 4 cho độ tuổi từ 55 đến 64 (đứng sau Nga, Israel và Canada). Cũng theo báo cáo này, bang Columbia (Mỹ) xếp hạng cao hơn bất cứ bang nào khác đối với việc hoàn thành cấp 3 với con số 62,2% dân số từ 25 đến 34 tuổi có bằng cấp sau cấp 2. Bang Maryland xếp thứ 12 với tỉ lệ 38,6%, bang Virginia xếp thứ 17 với 36,5%.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng rất nhiều nam thanh niên Mỹ gốc Phi chưa tốt nghiệp cấp 3. Báo cáo về giáo dục cộng đồng và nam giới da đen của 50 bang ở Mỹ năm 2010 tiết lộ rằng chỉ 47% nam giới da đen tốt nghiệp cấp 3.
Trong khi đó Zimbabwe dẫn đầu châu Phi với vị trí là đất nước có tỉ lệ người biết chữ cao nhất châu lục, chiếm lấy vị trí đã từng thuộc về Tunisia. Theo báo cáo gần đây nhất của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), đất nước nằm ở phía nam châu Phi này có tỉ lệ đến 92% người dân biết chữ, trước đây con số này chỉ có 85%. Kế tiếp là Tunisia – duy trì ở mức 87%. Nền giáo dục ở Zimbabwe được trợ cấp rất nhiều bởi Chính phủ trong những năm đầu sau khi giành được độc lập và đạt được nhiều thành tựu mới.
(Theo greatindaba.com)
Xuân Chi
Bình luận (0)