Ông Long bên vườn gió bầu trồng được 5 năm của mình
|
Xưa nay nghề tìm trầm, buôn trầm được nhân gian ví von bằng những từ ngữ xót xa, bạc bẽo: “ngậm ngãi tìm trầm”, nghề bỏ thây chốn rừng thiêng nước độc… Người làm nghề trầm phải là kẻ không màng đến sự sống chết. Thế nhưng, cái nhìn hàng ngàn đời nay của thiên hạ đã được một lão nông thay đổi!
Từ thú mê trầm
Ở vào tuổi 56, song trông ông “vua” trầm này vẫn đầy nhiệt huyết của một thanh niên trai trẻ khi đứng giữa rừng gió bầu xanh tốt. Theo ông Long, gió bầu là một loại cây rất quý hiếm chuyên cung cấp nguyên liệu trầm nhưng nay đang bị mất dần trong tự nhiên bởi nạn khai thác ồ ạt, kéo theo đó trầm cũng cạn kiệt dần. Đây cũng chính là điều khiến ông trăn trở nhiều năm qua. Và rồi cuối cùng ông cũng mạnh dạn đưa ra quyết định mà nhiều người nói là quá liều lĩnh: bỏ tiền đi học trồng gió bầu để tạo ra trầm.
Từng là một gã lang bạt kỳ hồ, tiếp xúc với đủ dân giang hồ tứ chiếng, tính ra ông Long có hơn 30 năm gắn bó với nghề buôn trầm. Cái nghề mà như ông nói, cũng thăng trầm giống hệt cái tên của nó. Lúc ngược mạn Thái Lan, Lào, khi xuôi về vùng rừng Hà Tĩnh, Quảng Bình, ở đâu có rừng, có trầm thì nơi đó đều in dấu bước chân ông.
Nhớ lại những tháng ngày đó, ông chợt đổi giọng, trầm ngâm rót cõi đời vào cốc nước lá vối rừng, ông kể: “Hồi đó, có khi tôi đi chuyến một hai ngày, kiếm được hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có lúc cả tháng trời không kiếm được cắc nào. Đôi lúc còn bị ăn “quả lừa” đắng ngắt”. Nhận thấy nỗi vất vả, bon chen của việc buôn trầm, ông Long bỏ nghề về xin đất mở trang trại trồng rừng và nuôi heo rừng.
Từng lớn lên ở một vùng quê thuần nông với tuổi thơ lăn lộn nhọc nhằn trên luống cày lấm lem bùn đất, ông Long hiểu rõ sự vất vả của người nông dân. Vì thế, khi đã từ bỏ nghề buôn trầm, trở về quê, ông tìm mọi cách, so sánh đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhưng cuối cùng, ông lại gắng bó với nghề trồng gió bầu tạo trầm hương. “Kể ra, nếu làm nông nghiệp mà muốn thu lợi thì phải có công nghệ cao, rồi sản phẩm làm ra phải xuất khẩu ra thị trường nước ngoài hay chí ít người nông dân phải chủ động trong khâu xuất bán. Đấy là chưa kể sự rủi may của thời tiết. Nghĩ thế nên tôi chọn nghề trồng gió bầu. Vả lại, cũng vì quá đam mê mà tôi không thể từ bỏ”, ông Long bộc bạch.
Với đầu óc nhạy bén của một người từng theo nghề buôn bán và sự đam mê nguyên liệu trầm, ông Long đã tìm hiểu, trồng thử nghiệm cây gió bầu trên diện tích hơn 2ha trang trại của mình vào năm 2001. Sau hai năm thử nghiệm, thấy cây phát triển tốt, ông Long quyết định thuê thêm 3ha đất rừng để trồng cây gió bầu. Vào năm 2007, ông trồng tiếp 2,5ha gió bầu xung quanh trang trại nuôi heo rừng của mình. Đến nay, với diện tích gần 20ha đất rừng, ông có 10ha gió bầu và 10ha keo lá tràm bao bọc xung quanh để bảo vệ diện tích gió bầu quý giá. Ông Long cũng là người chính thức “mở đường” đầu tiên của miền Trung trồng loại cây này có “công nghệ” tạo trầm thành phẩm trước lúc xuất ra thị trường trong và ngoài nước. “Để trồng được loại cây gió bầu và tạo được trầm thành phẩm, ngoài vốn kiến thức “học lõm” được trong thời gian buôn trầm tứ xứ, tôi bỏ công mày mò tìm hiểu về khí hậu thổ nhưỡng rồi so sánh nó với các loại cây trồng được trên vùng đất này để tìm cách khắc phục những mặt còn hạn chế”, ông Long cho biết.
Đến tỷ phú trầm hương đất cằn
Rừng gió bầu của ông Long hiện có 15.000 gốc, trong đó có 5ha với 10.000 gốc thu hoạch từ đầu năm 2011 được 150kg trầm. Đây là sản phẩm khảo nghiệm đầu tiên sau 10 năm của ông “vua” trầm. Mỗi ký ông bán cho các thương lái Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản… với giá 500 USD. Ông Long ước định, vào năm 2015, vườn gió bầu của ông sẽ cho thu hoạch không dưới 50 tỉ đồng. Đặc biệt, cây gió bầu là loại cây tận thu bởi trên 1 cây thì vỏ cây và lá cây được tái chế để tạo ra khoảng 10kg bột nhan hương và 3kg giác xông. Ngoài ra, thân cây gió bầu còn được sử dụng để chế biến đồ thủ công mỹ nghệ.
Để có được thành quả ngày hôm nay, ông phải thường xuyên học hỏi kỹ thuật trồng loại cây “khó tính” này trong sách vở, báo đài và một số người đi trước ở các tỉnh khác. Đây là loại cây đòi hỏi sự chăm sóc chu đáo, thường xuyên. Sau 6 đến 7 năm, ông cho đục lỗ trên thân cây rồi bơm men vi sinh – một loại xúc tác tạo trầm vào thân cây. Thêm hơn 1 năm nữa, người trồng có thể thu hoạch trầm từ những cây gió bầu này. Thời gian thu hoạch càng kéo dài, chất lượng và giá cả trầm càng cao. Cũng theo ông, “bí quyết” tạo trầm là ở khâu pha chế thuốc. Mặc dù được các chuyên gia Thái Lan chuyển giao công nghệ, song, tự thân ông đã có nhiều kinh nghiệm học được từ những lần bôn ba theo nghề buôn trầm. Còn nguồn cây trồng, ông phải cho người đến các vùng núi để đào cây con, sau đó mang về ươm.
Ông Long cho biết thêm, ngoài tự nhiên, cây gió bầu phải đến 100 năm mới có thể tạo trầm, nhưng cây gió bầu trồng thì từ 8 đến 10 năm là có thể thu hoạch. Tất nhiên, giá trầm tự nhiên và trầm nhân tạo chênh lệch nhau hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Ông Long bảo: “Tôi trồng loại cây này xuất phát từ sự đam mê với trầm hương. Có lẽ cuộc đời tôi phải gắn liền với cái nghề này”. Vẫn biết rằng đam mê sẽ thúc giục con người làm nên những thành công đáng ghi nhận nhưng với trường hợp như ông Long còn có thêm sự mạo hiểm, nhanh nhạy và chịu khó của một người “sinh ra từ gốc rạ” quê nghèo. Hiện, trên diện tích trồng gió bầu, keo lá tràm, ông Long còn tận dụng xây dựng chuồng trại nuôi hơn 200 con heo rừng lai. Ông cũng là người nuôi heo rừng nhiều nhất huyện Đại Lộc. Hằng năm, trang trại heo rừng của ông cho lãi từ 150 đến 200 triệu đồng. Trang trại heo và rừng của ông góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 nhân công của thôn, với thu nhập hàng tháng từ 3,5 đến 4 triệu đồng; gần 50 công nhân thời vụ: thu hoạch, chăm sóc theo mùa… “Quyết tâm làm giàu với loại cây mà mình đam mê, tôi thực sự muốn thổi một luồng gió mới cho mô hình phát triển vườn rừng gió bầu và trang trại trên chính vùng quê Đại Lộc này”, ông Long chia sẻ.
“Và cũng nhờ sự táo bạo trong cách đầu tư trang trại gió bầu, lợn rừng và diện tích keo tai tượng chắn gió mà đến nay, thu nhập của vợ chồng tôi rất ổn định. Không còn phải chạy vạy tiền học phí cho con nữa”.
Bài, ảnh: Hàn Vương
Từ một người đam mê trầm, nhận thấy nguồn nguyên liệu quý này có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên, ông đã tạo ra… trầm qua việc học hỏi trồng cây gió bầu và sử dụng công nghệ cấy trầm qua hàng chục năm lang bạt kỳ hồ buôn trầm tứ xứ. Ông là Từ Văn Long, (56 tuổi), ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
|
Bình luận (0)