Hội nhậpThế giới 24h

Tia hy vọng ngăn chặn Mỹ vỡ nợ

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tiến gần hơn đến thỏa thuận trần nợ để ngăn chặn Mỹ vỡ nợ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) phát biểu trong cuộc họp về trần nợ với Phó Tổng thống Kamala Harris và các nhà lãnh đạo quốc hội, ngày 16.5.2023.
Reuters đưa tin, sau một giờ đàm phán hôm 16.5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết, hai bên vẫn còn cách xa nhau về việc nâng trần nợ, nhưng có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần và "không khó để đạt được thỏa thuận".
Nhà Trắng gọi các cuộc họp là "hiệu quả và thẳng thắn". Theo Tổng thống Joe Biden, các nhà lãnh đạo đã đạt được "sự đồng thuận áp đảo… rằng vỡ nợ không phải là một lựa chọn, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái".
Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh, vẫn còn nhiều việc phải làm và các đảng đang nỗ lực đảm bảo rằng "Mỹ không vỡ nợ lần đầu tiên”.
Tổng thống Biden cho biết ông thất vọng vì đảng Cộng hòa sẽ không xem xét các biện pháp để tăng thu. Tăng thuế với người giàu và tăng thuế doanh nghiệp để giúp chi trả cho các chương trình dành cho những người Mỹ khác là một phần quan trọng trong ngân sách năm 2024 của ông Biden.
Các đảng viên đảng Cộng hòa đã từ chối bỏ phiếu để nâng trần nợ 31,3 nghìn tỉ USD trừ khi ông Biden và các đảng viên đảng Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói sau cuộc họp, "chúng tôi biết chúng ta sẽ không vỡ nợ".
Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1.6 trừ khi quốc hội bỏ phiếu tăng trần nợ, và các nhà kinh tế lo ngại đất nước sẽ rơi vào suy thoái.
Nhà Trắng cho biết ông Biden "lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng có trách nhiệm nếu cả hai bên đàm phán một cách thiện chí và nhận ra rằng không bên nào sẽ đạt được mọi thứ mình muốn".
Tổng thống Biden và các lãnh đạo quốc hội đã gặp nhau nhiều lần trong tuần qua về vấn đề này. Ngày 17.5 ông Biden lên đường tới Nhật Bản để dự hội nghị thượng đỉnh G7.
Nhà Trắng xác nhận, ông Biden sẽ cắt ngắn lịch trình, hủy chuyến thăm dự kiến tới Papua New Guinea và Australia sau hội nghị thượng đỉnh G7, về nước để tiếp tục giải quyết vấn đề trần nợ.
Một bế tắc tương tự năm 2011 về trần nợ đã dẫn đến sự hạ cấp lịch sử xếp hạng tín dụng của Mỹ, gây ra tình trạng bán tháo cổ phiếu và đẩy chi phí đi vay của chính phủ lên cao hơn.
Bế tắc hiện tại đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, khiến chi phí bảo hiểm với nợ công của chính phủ lên mức cao kỷ lục. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hôm 15.5 cho thấy 3/4 người Mỹ được hỏi lo ngại việc vỡ nợ sẽ gây thiệt hại nặng nề cho những gia đình như gia đình họ.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)