Cô Hải Yến trong tiết dạy chuyên đề |
Tại hội thảo chuyên đề “Ứng dụng CNTT vào tiết dạy, phát huy tối đa tính tích cực của HS” do Phòng GD-ĐT Phú Nhuận tổ chức vừa qua, nhiều giáo viên (GV) tham dự đã rất bất ngờ khi người thực hiện không phải là GV có thâm niên, nhiều kinh nghiệm mà là cô Lê Thụy Hải Yến – GV mới về công tác ở Trường THCS Cầu Kiệu một năm nay.
Những “con đường” truyền thụ
Khi tiết học kết thúc, tiếng trống trường vang lên hòa trong những tiếng vỗ tay của đồng nghiệp chúc mừng tiết giảng thành công của cô giáo trẻ. Tâm trạng của cô Hải Yến vừa vui vì đã hoàn thành tiết dạy bằng giáo án điện tử vừa lo không biết anh em đồng nghiệp nhận xét mình thế nào. Đây cũng là nỗi lòng chung của tất cả thầy cô khi thực hiện tiết thao giảng có đông đảo “bá quan văn võ” tham dự. Nỗi lo lắng rồi cũng qua đi khi người trong cuộc nhận được sự phản hồi từ đồng nghiệp dù ưu hay khuyết điểm cũng là những ý kiến vô cùng bổ ích đối với người thầy đứng trên bục giảng và nhất là những ai mới chập chững bước vào nghề. Tiết dạy mà cô Lê Thụy Hải Yến thực hiện là một bài nằm trong chương V: Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và văn hóa thế giới nửa đầu thế kỷ XX trong SGK Lịch sử lớp 8. So với các môn học khác, môn lịch sử có lợi thế cho GV khi soạn bài là các đề mục trong SGK đã được các nhà biên soạn sắp xếp thành một hệ thống có sẵn và khoa học, GV bộ môn cứ thế mà bám theo. Tuy nhiên, lịch sử luôn gắn liền với sự kiện, nói tới lịch sử là nói tới diễn biến, nguyên nhân, ý nghĩa và kết quả, thường thì SGK trình bày rất đầy đủ và vì thế cũng rất dài, kiến thức ngồn ngộn. Vậy làm sao người thầy truyền đạt hết trong thời gian cho phép của một tiết dạy? Cũng như các GV dạy môn lịch sử khác, cô Yến không chỉ dùng phương pháp thuyết trình mà đã đưa ra hệ thống câu hỏi nhằm giúp các em nhớ lại kiến thức (phần kiểm tra bài cũ, phần nêu những phát minh quan trọng của thế giới nửa đầu thế kỷ…). Ngoài ra, tận dụng một số đoạn video clip và SGK, cô Yến còn giúp các em tiếp cận với những đóng góp về thành tựu khoa học kỹ thuật thông qua “con đường” thị giác. Không khí lớp học bắt đầu sinh động hơn khi HS xung phong lên bảng thuyết trình về những phát minh lớn của giai đoạn này mà người dẫn đường là nhà bác học Einstein. Cô Hải Yến cho biết do một học kỳ có ba bài thuyết trình nên các em đã quen và rất nhuần nhuyễn trong từng thao tác.
Để thấy vai trò của những phát minh đã được đưa vào sử dụng trong cuộc sống, GV lại mở màn hình trình chiếu Power Point cho cả lớp “mục sở thị”. Khi đề cập đến phát minh chất nổ của nhà bác học A. Nôbel, GV đã dừng lại để HS hiểu sâu hơn câu nói của ông: “Tôi hy vọng nhân loại sẽ rút ra được những phát minh khoa học có nhiều điều tốt hơn là điều xấu”. Sự hối tiếc của ông khi phát minh ra chất nổ, thảm họa của nước Nhật năm 1945 do 2 quả bom nguyên tử là một bài học giáo dục được GV tích hợp để các em thấy được điều gì cần nên làm nhằm giúp ích cho xã hội, tài năng phải đi liền với đạo đức.
Nhìn thấy ưu và khuyết điểm
Sang phần Nền văn hóa Xô Viết – hình thành và phát triển, GV đã thay đổi phương pháp phát vấn, thuyết trình bằng cách tổ chức HS thảo luận theo nhóm để trả lời các câu hỏi: Vì sao Liên Xô phải xóa nạn mù chữ? Những thành tựu mà Liên Xô đạt được?… Giống với phần thuyết trình trước do có sự chuẩn bị ở nhà nên các nhóm đều có những hình ảnh, tài liệu minh họa cho thành tựu của Liên Xô về văn học, nghệ thuật: Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Số phận một con người… (tác phẩm văn học), Chiều Mát-xcơ-va, Ca-chiu-sa, Hồ Thiên Nga (nhạc). Những tài liệu mà các em sưu tầm được cũng làm cho giáo viên bất ngờ. “Nhiều em lên mạng, vào thư viện tìm tài liệu nên thật sự kiến thức của học trò có khi lại phong phú hơn giáo viên rất nhiều” – cô Yến thú nhận. Phần đố vui ô chữ với từ chìa khóa “Liên Xô” vừa để củng cố bài học cũng là “dấu chấm hết” kết thúc tiết học của lớp 8/1.
Trong phần “giao lưu” về chuyên môn, một giáo viên của TT GDTX quận góp ý, khi phát vấn GV nên đặt câu hỏi trước rồi mới gọi tên HS. Điều này nhằm giúp các em có thời gian suy nghĩ và bắt buộc các em khác phải “động não” theo và đúng theo “lộ trình” của môn giáo học pháp trong trường sư phạm. Cô Nguyễn Thị Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm lại đứng ở góc độ đưa CNTT vào bài giảng để nhận xét về hiệu ứng của nó. Thầy Nguyễn Văn Thái – Phó hiệu trưởng Trường TH Phạm Ngọc Thạch thật sự ngạc nhiên khi thấy GV có rơ-mot sử dụng để điều khiển màn hình vì dụng cụ quý hiếm đó luôn tạo được sự chủ động, bình tĩnh của người dạy tiết học – theo thầy – diễn ra rất thực, không có việc dàn dựng giả tạo. Đây cũng là kinh nghiệm cần trao đổi với các tiết thao giảng, nếu tiết nào mang chất “kịch” sẽ bị người dự giờ phát hiện liền.
Thầy Lưu Thiên Đức – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Khởi Nghĩa lại nói lên được rất nhiều cảm xúc của mình lần đầu tiên dự một tiết dạy cấp THCS và đề nghị GV cấp THCS nên xuống dự giờ các tiết ở cấp tiểu học để có thông tin hai chiều. Thầy Vũ Quang Thọ – chuyên viên Phòng GD-ĐT nhận xét: “Tư liệu tiết dạy phong phú nhưng GV đi hơi xa, chỉ nên nói thành tựu trong phạm vi từ nửa thế kỷ chứ không phải cả thế kỷ”. Những trao đổi thẳng thắn đó dù ưu hay khuyết nhưng đã giúp cho cả hai phía (người đứng lớp và người dự tiết) rút tỉa được rất nhiều bài học bổ ích và thật sự cần thiết cho mọi chuyên đề.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)