Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Tích cực giải quyết kiến nghị của cử tri

Tạp Chí Giáo Dục

Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 Quốc hội khóa XII, Ban Dân nguyện đánh giá Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng như các cơ quan Đảng, Nhà nước khác đã quan tâm, tích cực nghiên cứu giải quyết kiến nghị và trả lời cử tri.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện cho biết, tính đến ngày 23/9/2011, Ban đã nhận được văn bản trả lời của Chính phủ về 1.570 kiến nghị của cử tri; hiện chỉ còn 1 kiến nghị chưa được gửi đến Ban Dân nguyện.
Một số vấn đề được đông đảo cử tri kiến nghị nhiều lần như tình trạng lạm thu các khoản đóng góp ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh (Ban Dân nguyện tổng hợp được 33 khoản đóng góp ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh); kiến nghị về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; kiến nghị Chính phủ xem xét lại quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ban Dân nguyện cho biết việc kiến nghị xem xét lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được cử tri gửi đến từ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý Quỹ nhưng đến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII cử tri vẫn kiến nghị nhiều về Quỹ này. Ban Dân nguyện đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có ý kiến và Chính phủ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo Báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng vẫn còn tình trạng lạm thu. Lạm thu các khoản ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh diễn ra chủ yếu ở các trường phổ thông ở thành thị để phục vụ nhiều công việc xây dựng cơ sở vật chất, công tác an ninh, trông giữ xe, vệ sinh, mua học cụ…
 Điều 105 Luật Giáo dục quy định “Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

Riêng khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể và thực tế ở một số địa phương, mức thu này cao hơn nhiều so với mức thu học phí.
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tổng kết thực tiễn việc thu chi học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản đóng góp khác, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 105 Luật giáo dục.

Góp ý với Chính phủ, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý khi sửa đổi điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh cần tạo rõ các quy chế để Ban đại diện hoạt động độc lập. Khi Ban đại diện phụ huynh yêu cầu phụ huynh đóng một khoản phí nào thì phải trưng cầu bằng việc bỏ phiếu kín…
Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn và thực hiện kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chế độ tăng trợ cấp đối với giáo viên mầm non, mẫu giáo, chế độ học bổng với học sinh, hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Quang Thanh
(Chinhphu.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)