Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tích hợp chứ không phải “khai tử”!

Tạp Chí Giáo Dục

Cần phải nhìn nhận đúng về vai trò của việc giáo dục lịch sử trong nhà trường phổ thông. Ảnh: Học sinh lớp 12 đang học môn lịch sử. Ảnh: Anh Khôi

Hiện đang có tranh luận, liệu có nên để nội dung giáo dục lịch sử thành môn học tích hợp trong các môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn mới là công dân với Tổ quốc như trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT hay không.

Nhiều ý kiến cho rằng môn lịch sử cần được quan tâm dạy tốt hơn trong chương trình phổ thông, nhằm tránh tâm lý xem đó là môn phụ. Trong khi đó, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng chương trình hiện nay môn học nhiều, hiệu quả thấp, môn bắt buộc nhiều, lựa chọn ít. Nhiều môn học không đưa vào không được nhưng đưa vào thì hiệu quả không cao, vì thế cần tái cấu trúc lại hệ thống môn học. Bộ cũng cho rằng, nghiên cứu cho thấy 3 môn lịch sử, giáo dục công dân, quốc phòng an ninh gần gũi với nhau và có chung mục tiêu là hiểu biết trách nhiệm của công dân với Tổ quốc, do đó việc lồng ghép 3 môn học này vào một môn là hợp lý…

Trước hết, phải nhìn nhận đúng đắn về vai trò của việc giáo dục lịch sử trong nhà trường phổ thông nói riêng và trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung. Để có thể giáo dục truyền thống, khơi gợi lòng yêu nước của học sinh và giới trẻ, cần thiết có một môn học riêng là lịch sử. Không chỉ vậy, cần thiết phải có chương trình giáo dục mới với nội dung mới, sách giáo khoa mới, phương pháp giảng dạy mới cùng với phương tiện, thiết bị giảng dạy phù hợp để chất lượng dạy và học môn này được nâng cao. Đồng thời, cần khắc phục tâm lý trong học sinh (và cả giáo viên) cho rằng môn lịch sử chỉ là môn phụ, không có ý nghĩa thực tế trong việc thi cử và đời sống… Đây là điều rất đáng lưu tâm khi mà thời gian qua, xã hội rất bức xúc với việc học lịch sử qua quýt, số thí sinh đăng ký thi môn này ở kỳ thi THPT quốc gia 2015 rất ít, kiến thức lịch sử của giới trẻ còn nhiều hạn chế…

Một trong những cách để nâng cao nhận thức về môn lịch sử cũng như kiến thức về lịch sử, cần thiết tích hợp các nội dung của môn học này vào một số môn khác.

Do đó, một trong những cách để nâng cao nhận thức về môn lịch sử cũng như kiến thức về lịch sử, cần thiết tích hợp các nội dung của môn học này vào một số môn khác. Việc tích hợp để các vấn đề lịch sử “có mặt” ở nhiều môn học khác chứ không phải thay thế việc học môn lịch sử. Chẳng hạn, trong môn ngữ văn, cần có thêm nhiều đoạn trích về các câu chuyện lịch sử, qua đó học sinh cần được hướng dẫn tìm hiểu, phân tích, rút ra bài học; trong môn địa lý, nên giới thiệu một số địa danh, di tích lịch sử gắn với hoạt động du lịch, để học sinh hiểu về các địa phương, từ đó thêm yêu đất nước của mình; trong môn toán, có thể ra những đề bài tính toán về một số sự kiện lịch sử hoặc nhắc đến các nhân vật lịch sử… Tức là, cần cố gắng để các sự kiện lịch sử xuất hiện một cách phù hợp ở các môn học khác (phù hợp nội dung, tính chất của môn học, lứa tuổi của học sinh…). Trong khi đó, môn học chính về lịch sử vẫn được giữ và cần được giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi cử theo một cách phù hợp.

Ngoài ra, còn một lý do nữa để không thể ghép môn lịch sử với các môn khác thành môn mới là công dân với Tổ quốc. Giáo dục công dân và an ninh quốc phòng có tính chất định hướng, rèn luyện học sinh những kiến thức, kỹ năng ứng xử với xã hội, với đất nước gần như hoàn toàn trong đời sống thực tiễn, còn môn lịch sử cung cấp những kiến thức, xây dựng nhận thức cho học sinh về các vấn đề trong quá khứ, về truyền thống, từ đó mới đi đến hành động trong thực tiễn. Yêu cầu của môn học giáo dục công dân và an ninh quốc phòng khá gần với nhau và cùng hướng về mục tiêu xây dựng những công dân tương lai có tình cảm, nhận thức, trách nhiệm với Tổ quốc. Nếu ghép môn lịch sử vào e rằng trở thành “đầu Ngô mình Sở”, thật khó mà cho rằng đó là sự lồng ghép hợp lý.

ThS. Nguyễn Minh Hải

Cần cân nhắc thấu đáo

Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hiện nay, lịch sử là một môn học riêng biệt mà học sinh còn học theo kiểu đối phó, dẫn đến rất nhiều người không biết sử ta, không tường gốc tích nước nhà, liệu khi ghép chung với các môn học khác thì tình trạng đó sẽ nghiêm trọng đến nhường nào? Do đó, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định, đó là nên tăng cường tích hợp nhưng đừng khai tử môn lịch sử!

 

Bình luận (0)