Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tích hợp, liên môn không phải là tổng hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, việc dạy tích hợp, liên môn là một xu hướng dạy học tích cực mà ngành giáo dục yêu cầu giáo viên thực hiện. Thế nhưng, việc dạy tích hợp, liên môn không phải là điều dễ dàng nếu như người dạy sa đà vào việc liên môn, tích hợp; không bám sát mục tiêu bài dạy, đặc trưng yêu cầu chính của bộ môn thì tiết dạy tích hợp, liên môn sẽ trở thành tiết dạy tổng hợp.

Vừa qua, tôi được dự một tiết dạy tích hợp, liên môn. Có thể nói tiết dạy được chuẩn bị thật công phu, giáo viên dạy tự nhiên, vui vẻ, hóm hỉnh đã dẫn dắt tất cả học sinh say mê hoạt động theo từng yêu cầu của giáo viên. Tất cả thầy cô giáo tham dự hôm ấy đều bị lôi cuốn theo, say sưa nghe nhìn và mọi người cùng công nhận tiết dạy hay, sinh động, hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không được nghe giới thiệu từ đầu thì không ai nghĩ đây là tiết dạy môn toán. Bởi tiết học kéo dài đến 55 phút nhưng phần giảng dạy toán chỉ khoảng 20 phút. Cụ thể, hơn 20 phút đầu, giáo viên đã đưa học sinh cùng đi một chuyến tham quan và ôn tập kiến thức về bộ môn sử, địa. Rồi chuyến hành trình ấy đã dạy cho học sinh học nhiều thứ về kỹ năng sống như đọc bảng số xe, số điện thoại; ghi nhớ những điều cần thiết khi đi tham quan; cách sử dụng tiền, tiết kiệm tiền…  Thấp thoáng trong tiết dạy là các bài toán về tính chu vi, diện tích hình tròn, toán tỉ số phần trăm.

Cũng chính vì đặt trọng tâm là tích hợp, liên môn mà các bài toán trong tiết học được giáo viên tự đặt ra cho phù hợp với những điều, những môn mà giáo viên muốn kết nối, chứ các bài ấy không hề có trong sách giáo khoa. Bởi thế, nhiều thầy cô giáo dự giờ cho rằng nên gọi đây là tiết học ngoại khóa ôn tập tổng hợp các kiến thức đã học thì đúng hơn là “Dạy toán tích hợp, liên môn”.

Theo tôi, giáo viên cần phải xác định mục tiêu bài dạy, môn dạy trọng tâm và dựa vào yêu cầu kiến thức, bài tập trong sách giáo khoa để tìm hiểu, nghiên cứu xem có thể tích hợp điều gì và liên môn với các môn học nào. Thời lượng tích hợp, liên môn cũng không quá nhiều để đảm bảo trọng tâm bài dạy, môn học. Cần tránh cách dạy sa đà vào tích hợp, liên môn mà nhiều giáo viên nói vui là: “Tích hợp, liên môn là cái lẩu thập cẩm”, “Dạy tích hợp, liên môn là dạy hằm bà lằn” hay như một giáo viên dự giờ hôm ấy nói: “Dạy tích hợp, liên môn là dạy từa lưa!”.

Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)