Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tích hợp môn lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên phát biểu trong tiết học chuyên đề “Dạy học tích hợp liên môn khoa học xã hội trong một tiết học lịch sử”

“Dạy học tích hợp liên môn khoa học xã hội trong một tiết học lịch sử” là chuyên đề cụm do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 26-11 tại Trung tâm GDTX Q.3.

Lấy phương pháp tích hợp liên môn làm bộ khung cho bài dạy Các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam, các học viên lớp 10B5 đã có một tiết học thật hào hứng về những kiến thức tổng hợp, tinh túy được chắt lọc từ các bộ môn liên quan.

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Ở mức độ thấp, tích hợp liên hệ kiến thức đã nêu bật được cơ sở hình thành hai quốc gia Văn Lang và Âu Lạc bằng những nội dung SGK đã trình bày cũng như lời giảng của giáo viên bộ môn. Ngay từ phần mở bài, các học viên đã gặp nhiều thuận lợi khi được giáo viên bộ môn trình chiếu giáo án điện tử với những hình ảnh sinh động về bản đồ, tranh ảnh liên quan đến hai nhà nước buổi sơ khai. Do có chuẩn bị trước nên các câu chuyện về truyền thuyết An Dương Vương, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh do học viên kể đã tiết chế được những dẫn giải dài dòng mà giáo viên bộ môn thường mắc phải. Có lẽ đây là những khoảnh khắc hấp dẫn nhất vì có sự tương tác giữa thầy và trò cũng như những kiến thức văn chương đang được đánh thức trong một tiết học nghiêng về con số, sự kiện.

Thầy Trịnh Vũ Mỹ, giáo viên đứng lớp, chia sẻ: “Tôi thật sự băn khoăn và lo lắng khi thực hiện chuyên đề mới lạ này, đó là không biết chọn tích hợp theo mức độ nào?”. Theo thầy Mỹ, khó khăn của tiết dạy là thời gian cổ đại đã quá xa so với cuộc sống hiện tại bây giờ. Mặt khác tài liệu rất nhiều nên không biết chọn – bỏ cái nào, nói cái nào. Tuy nhiên, trên tinh thần tinh gọn và tạo những điểm nhấn quan trọng về kiến thức, thầy Mỹ đã biết tiết chế dung lượng để gói gọn trong 1 tiết dạy.

Có thể khẳng định rằng, dạy học theo chủ đề tích hợp là một trong những nguyên tắc quan trọng trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng. Quan niệm dạy học hiện đại này đã khơi gợi và phát huy tính tích cực của học viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy học. Tiết học gói gọn trong 45 phút nhưng gắn chặt được sự liên kết giữa các kiến thức giao thoa với môn lịch sử như ngữ văn, địa lý, GDCD… Những kiến thức lịch sử vốn được coi là khô khan, phải thuộc lòng được nhìn qua lăng kính các bộ môn khoa học đã trở nên lung linh và ấn tượng hơn.

Khéo léo vận dụng bài học vào cuộc sống

Tiết học liên môn đã giúp giáo viên mở rộng tri thức vì phải tự mình học hỏi qua tra cứu trên google, sưu tầm tư liệu… Ông Lê Văn Chương, chuyên viên Phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, tích hợp liên môn không phải cách dạy lắp ghép tùy tiện theo kiểu lấy những miếng vải màu gắn vào chiếc áo màu khác để có nhiều màu sặc sỡ, lòe loẹt thêm. Kiến thức các bộ môn là những điểm gặp gỡ giữa hai vòng tròn giao nhau nên ai cũng có thể nắm bắt được miễn là có con mắt tài tình phát hiện ra những điểm giao nhau đó. Theo ông Chương, tầm vĩ mô của câu chuyện tích hợp liên môn là làm sao ai cũng phải tìm được những điểm sáng trong sự đồng điệu về tri thức để có những tiết dạy chất lượng tốt. Có như thế bộ môn lịch sử mới trở thành “món ngon” trên lớp để người học các em yêu thích như các môn học khác.

Có thể nói dạy học tích hợp mở ra cánh cửa rộng hơn về về sự phát triển của xã hội một cách liên tục thống nhất giúp người học thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa các lĩnh vực qua đời sống.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Dạy học theo chủ đề tích hợp là một trong những nguyên tắc quan trọng trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng.

 

Bình luận (0)