Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tích hợp trong dạy học ngữ văn: Lý thuyết và thực tiễn còn khoảng cách

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh được hóa thân vào các nhân vật trong tác phẩm văn học (ảnh minh họa). Ảnh: N.Quang
Theo Từ điển tiếng Việt: “Tích hợp là sự kết hợp những hoạt động, chương trình hoặc các thành phần khác nhau thành một khối chức năng. Tích hợp có nghĩa là sự thống nhất, sự hòa hợp, sự kết hợp”. 
Còn theo từ điển Giáo dục học: “Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học”.
Đưa tư tưởng sư phạm tích hợp vào trong quá trình dạy học là cần thiết, dạy học tích hợp là một xu hướng của lý luận dạy học và được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Lý thuyết thì giáo viên (GV) nào cũng được trang bị như vậy. Và còn được nhấn mạnh thêm, thế giới đã áp dụng rất thành công, ta bây giờ mới làm. Nhưng hỡi ôi, giữa lý thuyết và thực tiễn thì khoảng cách của nó cũng xa tựa như từ trên trời xuống dưới mặt đất vậy.
Trong các kỳ hội giảng, trong các tiết thanh tra chéo, thanh tra nội bộ, dự giờ thăm lớp…, chúng tôi luôn “bị” chỉ trích là GV chưa có ý thức tích hợp, hay khen GV tích hợp rất tốt, đưa được rất nhiều kiến thức liên môn vào tiết dạy. Dần dà, GV từ chỗ chỉ hiểu nghĩa của từ “tích hợp” mà không biết phải tích hợp thế nào, từ chỗ không biết, không hiểu đến chỗ “lờ mờ” hiểu, thế là cứ cộng, cứ gộp… Đưa được nhiều kiến thức của các môn học khác vào môn mình đang dạy thì gọi là tích hợp liên môn. Còn trong một tiết dạy, liên hệ được kiến thức trước và sau bài học đó thì gọi là tích hợp bộ môn.
Từ ngày có xu thế dạy học tích hợp, tôi đi dự giờ cũng nhiều, trong trường có, trường bạn có…, và tôi thấy, các thầy cô giáo dạy tích hợp là như thế – đưa những kiến thức của môn khác vào bài học.
Vừa rồi, chúng tôi được thông báo sẽ phải tham gia làm một sản phẩm giáo dục liên môn ở bộ môn ngữ văn. Thực tình chúng tôi rất ú ớ không biết phải làm gì. Rất may tôi được dự giờ một tiết Hội giảng chuyên đề Dạy học tích hợp. GV dạy bài Lặng lẽ Sa Pa thì đưa một đoạn phóng sự giới thiệu về đất và người ở Sa Pa, cho học sinh (HS) lên xác định trên bản đồ vị trí địa lý của Sa Pa – đấy là tích hợp với môn lịch sử, địa lý. Rồi đến chuyện trồng rau, nói về vấn đề rau sạch, về an toàn thực phẩm – đó là tích hợp với môn sinh học, môn giáo dục công dân. Rồi cho HS về nhà vẽ một bức tranh, minh họa cho nội dung bài học – đó là tích hợp với môn mỹ thuật. Nói chuyện làm bản đồ sét, về ống thu lôi – tích hợp với môn vật lý… Thế là tiết ngữ văn có sự tích hợp của… um sùm môn.
Kể ra như thế chắc các bạn đã hình dung, riêng những phần tích hợp liên môn như vậy đã ngốn hết bao nhiêu thời gian của tiết học rồi. Vậy thời gian đâu để phân tích, để giúp HS cảm nhận được cái hay cái đẹp của câu chữ, của tư tưởng nghệ thuật, của thông điệp tác giả muốn gửi đi…
Tôi đi dạy ngót nghét 15 năm, khoảng thời gian không thể gọi là lão làng cũng chẳng thể xem là non nớt. Bao nhiêu năm giảng dạy tích hợp là bấy nhiêu năm trong đầu có những câu hỏi to tướng. Tích hợp liên môn trong dạy học ngữ văn có nên chăng? Tích hợp thế nào cho hiệu quả? Chứ cứ tích hợp thế này, thấy sao sao ấy.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Phú Yên)
Không thể tích hợp kiểu cộng, gộp
Tôi dạy văn, tôi thực tình không ủng hộ kiểu tích hợp cộng, gộp như thế trong dạy học ngữ văn. Nhiệm vụ của môn ngữ văn là rèn luyện kỹ năng nghe, nói, viết, góp phần giáo dục tư tưởng, tình cảm hình thành nhân cách cho HS. Bước đầu giúp HS có năng lực cảm thụ chân-thiện-mỹ trong nghệ thuật mà trước hết là trong văn học. Bởi văn học là bộ môn nghệ thuật, nó có những đặc thù “nghệ thuật” của riêng nó. Trong một tiết học 45 phút, GV giúp HS hứng thú với môn học, nắm được mục tiêu bài học đã là chuyện không dễ – chẳng phải ngày nay cả xã hội đang kêu ca chuyện HS chán học văn đó sao. Rồi chuyện tích hợp giữa ba phân môn văn, tiếng Việt, tập làm văn. Làm được điều này đã khó rồi, lại còn thêm nhiệm vụ tích hợp liên môn.
 
 

Bình luận (0)