Là một giáo viên dạy ngữ văn bậc THPT; tham gia sáng tác văn thơ, sau đó làm cán bộ quản lý nhưng tôi vẫn không ngừng tích lũy vốn từ ngữ, vốn văn học cho mình. Khi có vốn văn học, vốn từ ngữ thì việc diễn đạt ý tưởng mới gây ấn tượng với người nghe (khi nói, giảng), với người đọc (khi viết). Nhưng làm sao để tích lũy một số lượng lớn từ ngữ, vốn văn học trong khi thời gian có hạn? Bởi vì đâu phải lúc nào cũng rảnh rỗi để làm công việc đó.
Không giấu giếm điều gì, tôi tích lũy vốn từ ngữ đó qua việc đọc sách báo, tạp chí. Ngay từ nhỏ, lúc lên 8 tuổi (học lớp 2) tôi đã đọc “Chinh phụ ngâm khúc”…
Từ ngữ trong các sách từ điển chỉ là những xác chữ; nó chỉ sống lại khi nhập vào dòng chảy tác phẩm. Vì vậy, chỉ có đọc sách mới tự mình làm giàu cho mình vốn từ ngữ, vốn văn học. Bên cạnh đó, đọc sách giúp mình có vốn sống mà chúng ta thường gọi là kỹ năng sống. Nhưng làm sao để chúng ta có hứng thú đọc sách trong thời buổi mạng và “phây” ngự trị? Đọc sách giấy có thời gian nghiền ngẫm hơn, suy luận hơn đọc sách trên máy và ít mỏi mắt hơn. Các bậc phụ huynh cần tạo niềm vui cho con em đọc sách và chia sẻ với các con về sách.
Mặt khác, đọc sách cần có sự lựa chọn phù hợp; có sự định hướng đúng đắn. Đọc say mê nhưng cũng cần tỉnh táo để bình tâm chiêm nghiệm những điều mình cảm nhận được. Thầy cô cũng cần tạo cho mình thói quen đọc sách; cùng trao đổi sách với học sinh; cùng tranh luận với các em về những vấn đề tâm đắc trong một vài cuốn sách nào đó.
Đọc sách, theo tôi bắt nguồn từ đam mê; từ sự chăm chút, động viên của cha mẹ, thầy cô và cộng đồng xã hội.
Lê Lam Hồng (Sóc Trăng)
Bình luận (0)