Chương trình “Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM” – gọi tắt là “Tick xanh trách nhiệm” được Sở Công thương TP.HCM triển khai từ tháng 3-2024. Theo đó, hàng hóa chất lượng, an toàn đã được đưa đến người tiêu dùng…
Hướng đến sản phẩm an toàn
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết, tính đến thời điểm này “Tick xanh trách nhiệm” có 8 hệ thống bán lẻ đăng ký tham gia. Đó là Saigon Co.op, Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh, Wincomerce và Kingfood Market. Những hệ thống này đang tích cực thông tin đến các nhà cung cấp về việc phối hợp nâng cao trách nhiệm kiểm soát chất lượng hàng hóa để đưa đến người tiêu dùng sản phẩm xanh, sạch, an toàn, đạt chuẩn.
“Tick xanh trách nhiệm” nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường mà đại diện là các hệ thống bán lẻ; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu.
“Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị. Khi có bộ tiêu chí này, những nhà cung cấp tiên phong thực hiện cam kết về kiểm soát chất lượng, được xem xét và đánh dấu “Tick xanh” sẽ được thống nhất hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối. Chúng tôi cũng sẽ thống nhất về chế tài đối với những vi phạm của các doanh nghiệp khi không đảm bảo chất lượng hàng hóa để tăng sức răn đe”, ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, “Tick xanh trách nhiệm” không giới hạn ở TP.HCM mà sẽ triển khai rộng rãi đến các tỉnh, thành trên cả nước. “Chúng tôi đang phối hợp với các tỉnh, thành để mở rộng triển khai chương trình đến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ở địa phương. Mục tiêu là tất cả sản phẩm lưu thông trên thị trường TP.HCM đều có “Tick xanh trách nhiệm”, đều được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, an toàn ở mức cao nhất. Đây cũng là việc cần làm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Phương nói.
Ông Lê Văn Danh – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – cũng cho biết, địa phương sẽ tham gia cùng TP.HCM thực hiện chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Nếu các đơn vị phân phối tại Bà Rịa – Vũng Tàu cần hỗ trợ, kết nối để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, tỉnh sẵn sàng giúp đỡ. “Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với lĩnh vực thương mại, tỉnh đã quy hoạch nhiều dự án liên quan hạ tầng, thương mại gồm các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại cho nên rất mong các đơn vị bán lẻ, phân phối tiếp tục quan tâm, đầu tư để phục vụ người tiêu dùng”, ông Danh cho biết.
Còn nhiều khó khăn
“Tick xanh trách nhiệm” sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường đối với nhà cung cấp khi họ tự nguyện nâng cao trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chương trình còn mới nên số nhà cung cấp tham gia chưa nhiều. Các nhà cung cấp tham gia cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hóa để đưa ra thị trường.
Bà Võ Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Phòng Quản lý chất lượng Saigon Co.op – thông tin, hệ thống tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm” với 3 nhóm sản phẩm là trái cây, rau củ quả và thịt. Theo đó, hệ thống đã vận động các đối tác, nhà cung cấp cùng tham gia. Việc vận động này thông qua chương trình “Công bố quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op” và ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu đến từ 6 tỉnh, thành ở giai đoạn 1. Hệ thống triển khai giai đoạn 2 và giai đoạn 3 để hoàn thành mục tiêu mở rộng ra 48 tỉnh, thành trên cả nước đến năm 2025 nhằm tăng cường chuỗi cung ứng bền vững.
Theo bà Thủy, tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, Saigon Co.op gặp không ít khó khăn. Trong đó khó khăn nhất là việc quản lý đối với các đơn vị sản xuất, đặc biệt là ở địa phương. Saigon Co.op rất mong các sở, ngành ở địa phương hỗ trợ các đơn vị sản xuất bằng việc tăng cường quản lý tại nguồn thay vì chỉ quản lý ở nơi phân phối. Ngoài ra, tăng cường giám sát các đơn vị cung ứng vật tư như: phân bón, thuốc, thức ăn… để làm sao đơn vị sản xuất có thể tiếp cận nguồn vật tư an toàn. Điều này sẽ hạn chế việc giám sát qua nhiều công đoạn gây lãng phí nguồn lực xã hội…
Ông Vũ Dương Quân – Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra – chia sẻ, hệ thống đã triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm” đến nhà cung cấp. Tính đến thời điểm này đã có 65% nhà cung cấp có phản hồi hưởng ứng chương trình. Satra cũng đã tạo điều kiện cho những nhà cung cấp tham gia “Tick xanh trách nhiệm” có khu vực riêng để trưng bày sản phẩm. Ngoài ra, Satra còn phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức những buổi sử dụng sản phẩm miễn phí để quảng cáo sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm” đến người tiêu dùng.
Theo ông Quân, trong quá trình tham gia “Tick xanh trách nhiệm”, Satra cũng gặp khó khăn do số doanh nghiệp, nhà cung cấp biết tới chương trình chưa nhiều; mức độ nhận biết của người tiêu dùng còn hạn chế. Ngoài ra, việc đưa “Tick xanh trách nhiệm” lên bao bì cũng cần có lộ trình để nhà sản xuất có thời gian thay đổi cho phù hợp.
Ông Đinh Quang Khôi – Trưởng phòng Marketing, MM Mega Market – cho hay, mối quan tâm của người tiêu dùng hiện nay là sản phẩm an toàn cho sức khỏe và giá cả. Để chương trình “Tick xanh trách nhiệm” được thực hiện thành công cần sự đồng lòng, hợp tác của hệ thống phân phối và nhà cung cấp. Nếu được, TP.HCM nên thành lập hiệp hội bán lẻ để kiểm tra, giám sát trách nhiệm của nhà cung cấp…
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc đối ngoại miền Trung và miền Nam Central Retail – cho rằng, việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ cho hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai. Để chương trình “Tick xanh trách nhiệm” ngày càng lan tỏa, TP.HCM và các tỉnh, thành cần hỗ trợ truyền thông. Qua đó, để người tiêu dùng hiểu rằng mua sản phẩm ở siêu thị giá có thể cao hơn so với ở chợ nhưng đó là sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình…
Song Hậu
Bình luận (0)