Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tiệc tất niên xin đừng… quá chén!

Tạp Chí Giáo Dục

Bao giờ cũng vậy, hễ cứ còn cách Tết Nguyên đán chừng khoảng nửa tháng trở lại là người dân tại hầu hết các vùng miền ở nước ta, nhất là tại các thành phố, lại tổ chức tiệc tất niên! Vâng, tiệc tất niên luôn được xem là ngày tụ họp vui vẻ thường kỳ cuối năm giữa đồng nghiệp, bạn bè, đồng hương, đối tác làm ăn…, với nhau. Thậm chí, tại một số nơi người ta còn tổ chức tất niên xóm làng; tất niên của những người cùng thuê phòng trọ…

Khi tiệc tất niên được mở ra, như chúng ta đều biết thì luôn có ăn uống đánh chén với nhau, và nếu như không tổ chức theo kiểu tự nấu tiệc với nhau thường người ta kéo nhau ra quán xá, nhà hàng để ăn uống cho tiện… Tiệc cỗ bày biện ra với bao nhiêu là món ngon thì ắt phải có rượu, bia, bởi theo quan niệm của mọi người nói chung thì buổi gặp mặt tổng kết cuối năm không thể thiếu được bia, rượu, dẫu là mỗi người chỉ cần nâng ly và uống với nhau một chút gọi là cho vui, cho câu chuyện buổi gặp mặt thêm rôm rả mà thôi!

Thế nhưng, sự đời có phải ai cũng “cầm chừng” trong việc sử dụng bia, rượu như vậy được, khi mà trong các đám tiệc tất niên cuối năm, cho dù tổ chức tại gia hay ở nhà hàng, quán xá thì phần nhiều là khi đã ngồi với nhau mọi thành viên đều hay uống… hết mình, nghĩa là theo kiểu “không say không về”. Nếu uống thả cửa như vậy là cực kỳ nguy hiểm, khi mà tác hại của rượu bia không chỉ ảnh hưởng khôn lường tới sức khỏe, mà nó còn làm cho người ta không còn tỉnh táo, không thể kiểm soát nổi mình, như thế rất dễ phát sinh nhiều hệ lụy buồn. Ngoài ra, nếu sau khi ăn nhậu ở tiệc tất niên mà nếu ai đó uống quá nhiều bia rượu, lúc chạy xe trên đường sẽ rất dễ gây tai nạn cho người khác cũng như chính bản thân mình.

Tết đang tới rất gần, và mùa tiệc tùng tất niên cũng đã bắt đầu nhóm họp, tổ chức ở nhiều nơi, vì vậy mọi người cần “giữ mình” không nên uống quá chén, uống thả cửa khi tham dự tiệc tất niên. Vẫn biết rằng buổi gặp mặt tất niên ai cũng sẽ vui, nhưng mọi người chỉ nên ăn hết mình, còn đồ uống có cồn thì chỉ nên nâng một vài ly nhỏ gọi là chúc tụng nhau cho vui, chứ đừng quá lạm dụng. Nếu ai đó phải chạy xe về nhà sau buổi tiệc tất niên thì càng không nên đụng đến bia rượu, bởi như chúng ta biết từ đầu tháng 1 năm 2020 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực khi phạt rất nặng đối với các trường hợp lái xe khi tham gia giao thông mà trong hơi thở, trong máu có nồng độ cồn. Như vậy, việc từ chối uống rượu bia tại các buổi tiệc tùng không chỉ giữ gìn sức khỏe cho bản thân, mà còn tránh bị tước bằng lái xe và phạt tiền nặng…

Nguyn Th Hi
(ĐH Văn hóa)

 

Bình luận (0)