Một số tựa sách hay được Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ sáng tác, đầu tư in ấn, nhưng chỉ phát hành trong khuôn khổ giới hạn. Vì đây là “sách không bán”, nên để đến với bạn đọc rộng rãi hơn, chỉ có cách phải chờ tác giả tái bản, in thêm.
Buồn vì sách hay nhưng chỉ để tặng
Các tác phẩm được Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đầu tư sáng tác, in ấn vừa ra mắt gồm: tiểu thuyết lịch sử Dòng biên viễn (nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài), Phù sa châu thổ (tập truyện ngắn, Hoài Hương), Cha tôi – nhà thơ Nguyễn Bính (ký sự nhân vật, Nguyễn Bính Hồng Cầu), Sài Gòn thở chậm hít sâu (tản văn, Trương Gia Hòa) và tuyển văn thơ nhạc họa Cây kèn và chiếc khẩu trang (nhiều tác giả). Đây đều là những tác phẩm hay, ý nghĩa, được tổ chức ra mắt long trọng. Tuy nhiên, vì là những tác phẩm được hỗ trợ sáng tác, nên tất cả các tựa sách kể trên đều được dán nhãn “sách không bán”.
“Sách được đầu tư in ấn một cách chỉn chu, đẹp, chất lượng là niềm vui của những người sáng tác, nhưng khi nhìn dòng chữ “sách không bán” thì tôi có thoáng gợn buồn. Vì cảm giác sách chỉ là quà tặng, một ấn phẩm lưu hành trong một chừng mực nào đó phục vụ cho công tác tuyên truyền, mà không được lan tỏa rộng hơn đến bạn đọc” – nhà văn Hoài Hương bày tỏ.
Một số tựa sách có ý nghĩa vừa phát hành, được đánh giá cao nhưng là “sách không bán
Cùng thời điểm với Cây kèn và chiếc khẩu trang, Phù sa châu thổ, chị có tập tản văn Sài Gòn! Em thương anh! (Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành). Đây cũng là tập sách viết về đề tài COVID-19 và nhà văn đã tích cực bán sách để góp vào Quỹ Sài Gòn nghĩa tình (do nhà văn Tống Phước Bảo khởi xướng, dành trao tặng quà cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch).
Nhà thơ Nguyên Hùng – người có tác phẩm được chọn in trong tuyển tập Cây kèn và chiếc khẩu trang – tâm tư: “Quả thật, tôi cũng thấy việc dán nhãn “sách không bán” vô tình khiến sách vừa khó đến được với bạn đọc, vừa có thể làm giảm giá trị tác phẩm. Việc này còn có thể dẫn đến hiện tượng là người được phân phối/cấp phát thì không đọc. Ngược lại có người muốn đọc lại không mua được sách”. Sự tiếc nuối không chỉ riêng của những người cầm bút mà còn ở cả bạn đọc.
Tập ký sự nhân vật Cha tôi – nhà thơ Nguyễn Bính được phó giáo sư – tiến sĩ Võ Văn Nhơn đánh giá là tác phẩm ý nghĩa với độc giả yêu mến nhà thơ, cũng như với giới nghiên cứu văn học. Sài Gòn thở chậm hít sâu là tập tản văn viết về Sài Gòn những ngày dịch bệnh qua cảm nhận khá sâu sắc, lắng đọng của nhà văn Trương Gia Hòa. Cây kèn và chiếc khẩu trang tập hợp sáng tác về đề tài COVID-19 ở các lĩnh vực (văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh) của 138 tác giả, trong đó có nhiều tác phẩm được trao giải thưởng văn học – nghệ thuật. Nhưng bạn đọc khó có trong tay những cuốn sách này. Số lượng bản in các tác phẩm được hỗ trợ sáng tác giới hạn số lượng 500 bản. Toàn bộ số bản sách được dùng cho hoạt động trao tặng, việc bán ra ngoài thị trường với những tựa sách đã dán nhãn “sách không bán” là không hợp lệ.
Chia sẻ với PV, bà Lê Tú Lệ – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật – giải thích rằng sách không bán vì đã được in bằng kinh phí nhà nước. “Nếu muốn bán, tác giả cứ ký hợp đồng với đơn vị xuất bản, tái bản tác phẩm và phát hành bình thường. Tôi thấy cũng không khó, file mềm bản thảo đã có, chỉ thêm công in và tiền giấy, các tác giả nhận sự đầu tư cũng có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tác rồi mà” – bà Lê Tú Lệ nói. Bà cũng lưu ý các tác giả nên in thêm, tái bản tác phẩm của mình và lưu hành ngoài thị trường như một tác phẩm độc lập.
Chờ sách tái bản
Đây cũng là gợi ý nên được các tác giả lẫn nhà làm sách lưu tâm. Tuy nhiên, có thể thấy cái khó trước mắt của việc tự in: hoặc là tác giả không nhận được sự đồng ý in theo kế hoạch A (nhà xuất bản mua bản quyền tác phẩm và trả nhuận bút cho tác giả), hoặc không đủ tiềm lực để bỏ tiền in sách và lo khâu phát hành. Trong trường hợp này, nguyện vọng của các tác giả và đề xuất từ phía lãnh đạo Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật đã không “gặp” nhau.
Việc các hội nghề nghiệp đầu tư hỗ trợ sáng tác, in ấn tác phẩm cho văn nghệ sĩ và dán nhãn “sách không bán” là theo đúng quy định, nhưng ở góc nhìn của người sáng tác, tác phẩm không tham gia thị trường sách, chỉ in để tặng thì khó định vị được giá trị bởi công chúng. Nếu việc đầu tư in sách cần thiết phải là “sách không bán”, thì không còn cách nào khác ngoài việc phải chờ tác giả và các đơn vị xuất bản đầu tư tái bản, in thêm.Nhà văn Hoài Hương cho rằng vẫn có cách để tác phẩm vừa được đầu tư xuất bản đến được với bạn đọc, bằng cách tăng thêm một số lượng sách dành bán ra thị trường. Và nguồn thu từ việc bán sách ấy có thể dùng gây quỹ tiếp tục hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác. Theo nhà thơ Nguyên Hùng, các tác phẩm được hỗ trợ sáng tác hay Nhà nước đặt hàng vẫn có thể ghi rõ trên bìa sách, nhưng cũng nên định giá bìa. “Số bản in được xác định trên cơ sở số lượng đặt hàng và số lượng dự kiến có thể phát hành qua các nhà sách, cơ quan, trường học… Nếu cần phân biệt hay để thuận tiện trong quản lý, có thể phát hành với hai màu bìa khác nhau” – nhà thơ Nguyên Hùng đề xuất.
Theo Lục Diệp/PNO
Bình luận (0)