Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiêm đủ liều vắc xin sẽ hạn chế lây nhiễm Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Trả lời câu hỏi của báo chí về một số trường hợp F0 đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng vẫn tử vong, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, trường hợp này không đại diện cho số đông. Bởi hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Covid-19 không có gì để bàn cãi về mặt khoa học lẫn thực tiễn. Việc tiêm đủ liều vắc xin sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, hạn chế các ca nặng và tử vong.

Chiều 15-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.


Các đại biểu tham dự họp báo chiều 15-11

Dịch Covid-19 tại TP.HCM đang ở cấp độ 2

Tại họp báo, thông tin về tình hình dịch bệnh hiện nay, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, tính đến 18 giờ ngày 14-11, có 448.010 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.

TP đang điều trị 12.179 bệnh nhân, trong đó có 646 trẻ em dưới 16 tuổi, 258 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 14-11 có 1.150 bệnh nhân nhập viện, 713 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 263.548 người), 45 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 17.202)

Thông tin về cấp độ dịch, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám Đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, dịch Covid-19 tại TP.HCM đang ở cấp độ 2. Đối với các quận huyện, TP.Thủ Đức có 10/22 địa phương cấp độ 1; 11/22 địa phương cấp độ 2 và 1/22 địa phương cấp độ 3 là huyện Cần Giờ.

Trước câu hỏi của báo chí vì sao Sở Y tế có đề xuất triển khai các khu cách ly tập trung ở quận, huyện mặc dù tình hình dịch hiện nay tương đối ổn định, bác sĩ Hưng cho hay, mặc dù gần đây một số địa phương có tăng số ca F0 nhưng TP đã quán triệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 là phải chuẩn bị trước một bước và trên một mức để có sự chủ động đáp ứng trước bất kỳ các tình huống nào có thể xảy ra.

TP có 16 bệnh viện dã chiến cấp TP, dự kiện từ nay đến cuối năm sẽ thu hẹp và chỉ giữ lại 3 bệnh viện. Như vậy, để đáp ứng các F0 cần chăm sóc, điều trị, Sở Y tế đề nghị các quận huyện thành lập các bệnh viện dã chiến và xem đây là tầng 2. “Hiện có 8 quận huyện đã thành lập 8 bệnh viện dã chiến với quy mô từ 300-500 giường/mỗi quận, huyện để sẵn sàng thu dung điều trị các F0 có triệu chứng”, ông Hưng thông tin.

“Mặt khác, ngoài các F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, sẽ có các trường hợp không đủ điều kiện như bệnh nhân có triệu chứng, có bệnh nền hoặc điều kiện cách ly không đảm bảo sẽ cách ly tập trung ở phường xã, quận huyện. Theo đó TP có 62 khu cách ly để thu dung”.

Trước phản ánh một số F0 cần được tư vấn chăm sóc điều trị nhưng không liên lạc được trạm y tế; nhiều F0 không nhận được túi thuốc C (túi thuốc kháng vi rút), ông Hưng nhìn nhận có phản ánh này. Ngay lập tức, Sở Y tế có văn bản nhắc nhở các địa phương, đồng thời thành lập liên đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế và nhắc nhở các trường hợp không nắm được thông tin. “Mới đây, Sở Y tế đã mời 22 giám đốc trung tâm y tế quận huyện, TP.Thủ Đức để quán triệt lần nữa. Trên tinh thần tất cả các F0 được cách ly tại nhà mà có chỉ định, có đủ điều kiện sử dụng túi thuốc C nhưng vì lí do nào đó không phát sẽ bị xử lý”, ông Hưng nói. Qua đây, ông Hưng mong rằng bên cạnh phản ánh qua kênh báo chí, người dân có thể phản ánh trực tiếp đến Sở Y tế để có sự theo sát vấn đề.

Về một số trường hợp F0 đã tiêm đủ 2 liều vắc xin nhưng vẫn tử vong, ông Hưng cho rằng trường hợp này không đại diện cho số đông. Bởi hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Covid-19 không có gì để bàn cãi về mặt khoa học lẫn thực tiễn. Việc tiêm đủ liều vắc xin sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, hạn chế các ca nặng và tử vong. Ông nhìn nhận vắc xin cũng như một số thuốc khác không thể có giá trị tuyến đối, tuy nhiên góp phần bảo vệ chính chúng ta thông qua việc tiêm đủ mũi. TP được Trung ương hỗ trợ vắc xin, sẽ đủ số lượng để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, kể cả người dân lúc trước về quê nay quay lại TP sinh sống, làm việc. “Chủ trương của TP là tiêm sớm. Hiện nay, TP đã triển khai tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt khoảng 100% và mũi 2 đạt hơn 82%”, ông Hưng nói.

Trước tình hình F0 tại huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh,… gia tăng trong vài tuần qua, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, sự gia tăng này chủ yếu do các quận huyện vùng ven có đa số người đi làm ở các doanh nghiệp, các khu chế xuất, khu công nghiệp. “Khi đi làm lại, doanh nghiệp yêu cầu test nhanh và đã phát sinh các F0; quá trình điều tra ổ dịch để khống chế tiếp tục phát hiện các F0 tại các nhà trọ liên quan đến những người này”, ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, hiện có 47.000 F0 đang cách ly điều trị tại nhà trên tổng số 64.000 F0 (khoảng 73%). Ngành y tế tính toán thực trạng này. Đối với chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế tăng cường trạm y tế lưu động; đồng thời các khu cách ly tập trung quận huyện cũng có kế hoạch tăng cường trở lại để đáp ứng chăm sóc, điều trị F0. Ngành y tế cũng chỉ đạo gắt gao, chuẩn bị đề phòng tình huống nếu F0 tăng cao trong thời gian tới.

Địa phương phải có các biện pháp ngăn chặn hoạt động chợ tự phát

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đề xuất cho phép hàng quán phục vụ đồ uống có cồn, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nay TP.HCM thực hiện thí điểm trên địa bàn TP.Thủ Đức và quận 7 đến hết ngày 15-11. Sở Công thương đang cùng hai địa phương có sơ kết để báo cáo UBND TP.HCM trên tinh thần đã đề xuất UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ đồ uống có cồn. Nhưng việc này còn tùy thuộc vào cấp độ dịch bệnh của từng địa phương.

“Sở Công thương đề xuất cho phép sử dụng đồ uống có cồn để phục vụ nhu cầu của người dân trong điều kiện bình thường mới. Chứ chúng tôi không cổ súy cho việc lạm dụng thức uống có cồn”, ông Tú nói.


Hoạt động chợ tự phát diễn ra xung quanh chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)

Về việc các chợ tự phát mở bán trái phép đang diễn ra, ông Tú nhấn mạnh, chủ trương của TP không cho phép các chợ tự phát hoạt động trong điều kiện hiện nay vì ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm. Do đó, đối với công tác này, các quận huyện và TP.Thủ Đức, phường xã thị trấn phải có các biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra hoạt động chợ tự phát.

Về việc đảm bảo an toàn phòng dịch tại các hội chợ, kết nối tiêu dùng vào dịp cuối năm, ông Tú cho biết, trong Dự thảo Quy định tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM có quy định cụ thể. Tùy theo cấp độ dịch sẽ có quy định về số người được tham gia dựa trên công suất phục vụ, trong đó có quy định khoảng cách tối thiểu giữa người với người.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)