Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiêm hai mũi vắc xin khác nhau: Không ngần ngại và cũng đừng… kén chọn!

Tạp Chí Giáo Dục

Các chuyên gia cho hay, thế giới đã và đang thử nghiệm việc tiêm hai mũi vắc xin khác nhau và cho hiệu quả miễn dịch tốt. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà người dân có tâm lý chờ đợi, trì hoãn mũi tiêm thứ hai.

Đừng chần chừ đợi vắc xin này vắc xin kia, vì virus SARS-CoV-2 không chờ một ai

Trong tháng Bảy này, theo tiết lộ từ phía Pfizer/BioNTech, trong số 31 triệu liều vắc xin Việt Nam đã đàm phán mua của hãng này, sẽ có một phần được chuyển về. Thông tin khiến nhiều người dân vô cùng quan tâm trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. 

Không ít người đặt câu hỏi nếu mũi thứ nhất đã tiêm vắc xin AstraZeneca thì mũi thứ hai có thể tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech được không? Tại hội nghị tập huấn trực tuyến đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Bộ Y tế diễn ra giữa tháng Sáu, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo hướng dẫn hiện nay, người tiêm buộc phải sử dụng hai mũi vắc xin COVID-19 cùng loại.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã nghiên cứu dùng hai loại vắc xin ở hai thời điểm tiêm khác nhau và cho hiệu quả miễn dịch còn cao hơn. Trước thực tế này, mới đây, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã giao Bộ Y tế nghiên cứu về việc sử dụng phối hợp hai loại vắc xin như trên. 

Phân tích về vấn đề này, giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – Trưởng ban điều hành Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, chia sẻ, số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy, nếu tiêm mũi một là AstraZeneca, mũi hai là Pfizer/BioNTech thì đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại. Tại Anh, các chuyên gia cũng đang nghiên cứu mũi hai tiêm các loại vắc xin khác như Moderna hoặc Sputnik V… và số liệu bước đầu cũng rất khả quan.

Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu vấn đề này. Tuy nhiên, giáo sư Đặng Đức Anh nhấn mạnh, người dân không nên có tâm lý kén chọn, chờ đợi vắc xin mà trước hết, khi có vắc xin nào thì nên tiêm ngay theo lịch hẹn của cơ sở y tế. 

Đồng tình quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho rằng, thế giới đã tiêm hai loại vắc xin khác nhau nên ta không ngần ngại về vấn đề này. “Câu chuyện hiện nay đặt ra là chúng ta có đủ vắc xin không? Nếu đủ thì tiêm hai mũi vắc xin cùng loại nhưng nếu không đủ có thể tiêm hai loại khác nhau vẫn có kết quả tốt”. 

Dù vậy, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, người dân không nên có tâm lý chờ đợi vắc xin Pfizer/BioNTech hay một số vắc xin sắp nhập khẩu về Việt Nam, khiến việc tiêm mũi nhắc lại bị trì hoãn. Bởi, có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, vắc xin nào cũng đều có nguy cơ, phản ứng như nhau, không có vắc xin đảm bảo an toàn 100%. Vắc xin Pfizer/BioNTech hay AstraZeneca khi tiêm đều có những phản ứng đối với cơ thể.

Thứ hai, nguy cơ dịch bệnh của Việt Nam là rất cao, do đó, cần xác định, vắc xin COVID-19 nào cũng có khả năng ngừa bệnh nặng và tử vong cao, góp phần bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân trong gia đình. Thứ ba, vắc xin muốn đạt hiệu quả cao nhất phải tiêm hai mũi, trong đó có khoảng cách nhất định. Do đó, nếu chờ đợi khi lượng vắc xin COVID-19 về Việt Nam còn hạn chế sẽ có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả miễn dịch vì khoảng cách tiêm không đúng theo quy định…

“Mục tiêu của chúng ta là phải phủ được vắc xin COVID-19 nhiều nhất, nhanh nhất để tạo miễn dịch cộng đồng. Do đó, tất cả những người đã tiêm mũi một cần phải được phủ mũi hai nhanh để lấp lỗ hổng hiện nay”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh. 

Theo Huyền Anh/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)