Sự kiện giáo dụcTin tức

Tiêm phòng COVID-19 cho gần 900.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với gần 900.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm vắc-xin phòng COVID-19, UBND TP.HCM cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành tiêm chủng từ nay đến trước tháng 9-2022.


Gần 900.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn TP.HCM sẽ được tiêm phòng COVID-19 trước tháng 9-2022

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM.

Theo đó, số lượng trẻ trong độ tuổi trên toàn thành phố dự kiến tiêm là 898.537 trẻ, trong đó 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học. TP.HCM dự kiến sẽ bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc-xin, phấn đấu hoàn thành tháng 9-2022.

UBND TP quy định, với trẻ đi học, sẽ tổ chức tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.

Đối với trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định, hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quyết định.

Với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện sẽ tổ chức tiêm vắc-xin ngay tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác).

Loại vắc-xin sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này là vắc-xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Để triển khai chiến dịch tiêm chủng, UBND TP giao Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách và nhập liệu đầy đủ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đang đi học trên địa bàn thành phố lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 trước khi tổ chức tiêm.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, lập danh sách cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi không đi học và trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm nhập liệu danh sách trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi không đi học và trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 trước khi tổ chức tiêm.

Căn cứ vào số lượng trẻ dự kiến tiêm, Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế nhu cầu vắc-xin, đảm bảo bao phủ vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên toàn thành phố. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản nguồn vắc-xin, phân phối cấp phát vắc-xin, vật tư cho Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức và các quận, huyện, cơ sở tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian theo lịch trình tiêm.

Về công tác tổ chức tiêm, UBND TP yêu cầu, đội tiêm tại các điểm tiêm chủ yếu là y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn. Tùy theo tình hình nguồn lực và số lượng trẻ dự kiến tiêm chủng, Sở Y tế chịu trách nhiệm huy động lực lượng nhân viên y tế đã được tập huấn tiêm vắc-xin, bao gồm cả y tế tư nhân và nhà nước.

Khu vực tiêm phải đủ rộng, đảm bảo giãn cách, bố trí thêm khu vực ngồi chờ cho phụ huynh, huy động thêm lực lượng ngoài y tế để tổ chức buổi tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả; Bố trí số lượng tiêm trong ngày phù hợp, đảm bảo thông tin và kết quả tiêm được cập nhật đầy đủ lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

Cung cấp thông tin cho phụ huynh về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc-xin, giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng, hiệu quả, liều lượng của loại vắc-xin được tiêm chủng. Hướng dẫn phụ huynh thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi tiêm.

Theo UBND TP, mỗi điểm tiêm có thể có nhiều bàn tiêm, mỗi bàn tiêm tối thiểu 3 nhân sự, thực hiện khám sàng lọc cho trẻ đầy đủ trước khi tiêm chủng theo quy định, hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm…

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)