Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiêm vắc xin mũi bổ sung hiệu quả với biến thể Omicron

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Theo khuyến cáo của các chuyên gia trên thế giới, tiêm mũi bổ sung hiệu quả với biến thể Omicron nhưng trong tương lai chưa thể dự báo thêm các biến chủng mới. Do đó, TP luôn khuyến khích người dân tiêm vắc xin”.


Các đại biểu tham dự họp báo

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP chia sẻ điều này tại họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Họp báo do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức chiều 13-1.

Di chứng hậu Covid-19 có ảnh hưởng về đường hô hấp

Thông tin về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, đã có 18.493 người, chiếm 71,6%, đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Qua chiến dịch, ngành y tế phát hiện trên 5.000 người mắc Covid-19. Hiện ngành y tế đang đi đến “từng ngõ, gõ từng nhà” để tư vấn, thuyết phục người có nguy cơ tiêm vắc xin tại nhà. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục phát tờ rơi hướng dẫn chăm sóc nhóm nguy cơ; đồng thời trong tháng 1 TP sẽ xét nghiệm đợt 3 cho nhóm đối tượng nguy cơ và giữa tháng 2 tiếp tục mở rộng nhóm đối tượng nguy cơ.

Về mặt lý thuyết, nếu toàn bộ dân số TP.HCM được tiêm vắc xin, trừ người chống chỉ định thì TP sẽ đạt miễn dịch cộng đồng và bảo vệ được nhóm không tiêm. Tuy nhiên,  thực tế dù tiêm với tỷ lệ 100% dân số thì TP vẫn gặp khó khăn về biến động dân số, di dân. Song song đó, TP còn đối mặt với chủng mới. “Theo khuyến cáo của các chuyên gia trên thế giới, tiêm mũi bổ sung hiệu quả với biến thể Omicron nhưng trong tương lai chưa thể dự báo thêm các biến chủng mới. Do đó, TP luôn khuyến khích người dân tiêm vắc xin”.

Về di chứng hậu Covid-19, ông Phan Minh Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng TP cho biết, hầu hết di chứng hậu Covid-19 ở các bệnh nhân được ghi nhận có ảnh hưởng về hô hấp cấp và hô hấp mãn tính, một di chứng về tim mạch, một số bệnh lý xuất huyết não, nhồi máu não, căng thẳng, lo âu, rối loạn giấc ngủ. Do đó, “nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh nhân mắc di chứng hậu Covid-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại bệnh viện để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát”.

Theo ông Hoàng, Bệnh viện Phục hồi chức năng TP là một trong các bệnh viện được giao tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc di chứng hậu Covid-19 trên địa bàn. Hiện, bệnh viện ghi nhận, điều trị hơn 1.000 ca bệnh, trong đó điều trị nội trú là 341 ca, còn lại là điều trị ngoại trú.

Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM kiêm Phó trưởng chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP cho biết, tính đến 18 giờ ngày 12-1-2022, có 510.195 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 509.542 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 653 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 4.152 bệnh nhân, trong đó có 82 trẻ em dưới 16 tuổi, 301 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 12-1 có 275 bệnh nhân nhập viện, 292 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 313.141), 19 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 20.182).

Trường học đảm bảo nhân sự khi học sinh quay lại học trực tiếp

Cũng tại họp báo, thông tin về việc bao giờ có lịch học trực tiếp của học sinh tiểu học và lớp 6 khi mà trẻ mầm non đã có lịch quay lại trường, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT cho biết, ngày 12-1, UBND TP ban hành Quyết định số 140 ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non trên địa bàn TP. Theo đó, từ tháng 2-2022, trẻ sẽ đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Tuy nhiên, lộ trình và lịch đi học trực tiếp của trẻ như thế nào, Sở GD-ĐT đang tham mưu UBND TP. Trong tham mưu cũng có lộ trình, thời gian đi học của học sinh lớp 1 đến lớp 6.

Hiện nay có trường hợp cơ sở giáo dục mầm non thiếu giáo viên và bảo mẫu, ông Trọng cho hay, phụ huynh nên yên tâm vì Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non phải chuẩn bị các điều kiện để đón trẻ trở lại trường, trong đó có điều kiện nhân sự. Trường hợp về quê có thể mời giáo viên, bảo mẫu quay lại trường làm việc; đồng thời có kế hoạch tuyển bổ sung nếu thiếu giáo viên. Phòng GD-ĐT sẽ tham mưu UBND các quận, huyện kế hoạch tuyển giáo viên mầm non. “Các em học sinh trở lại học trực tiếp trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh và các điều kiện đáp ứng đảm bảo an toàn, đảm bảo nhân sự để phục vụ công tác dạy học”.

Cũng theo ông Trọng, ngay từ giai đoạn khởi động tổ chức dạy học trực tiếp ở trường cho học sinh lớp 9 và 12, Sở GD-ĐT đã thống nhất với Sở Y tế không có quy định cấm các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động bán trú, nội trú, căn tin. Việc tổ chức thực hiện trên tinh thần đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. “Trong các buổi giao ban sau khi tổ chức cho học sinh đi học trở lại, Sở đã yêu cầu, khuyến cáo các cơ sở giáo dục phải tiến tới bình thường hóa các hoạt động, trong đó có dịch vụ bán trú, căn tin, nội trú, kể cả khối ngoài công lập”, ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, khi TP đã là vùng xanh hay vùng vàng như trước kia thì quy định phòng chống dịch đã có từ trước. Cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học phải đảm bảo an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn mà UBND TP đã ban hành. Bộ tiêu chí có 10 tiêu chí, nếu đảm bảo 6 tiêu chí thì các cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động, nhưng trong 48 giờ phải hoàn thiện ít nhất 8 tiêu chí. Như vậy, khi hoạt động bình thường các đơn vị phải đảm bảo 8/10 tiêu chí. “Để đánh giá mức độ an toàn trường học theo bộ tiêu chí, ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện sẽ có kiểm tra, thẩm định và quyết định mức độ an toàn của các trường học, trong đó sẽ có hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường”.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)