Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ: Tiêm đến đâu an toàn đến đó

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 14/4. Đến nay, trên toàn quốc đã có 88.820 liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ lứa tuổi từ 5 đến dưới 12.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm chủng trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm chủng trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tuần lễ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên toàn quốc theo đang được triển khai theo phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó."

Hơn 88.000 liều đã tiêm cho trẻ

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi , bắt đầu từ ngày 14/4.  

Tiếp đó, từ ngày 16-19/4, các tỉnh, thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Nam, Hải Dương… đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Tại Hà Nội, tính từ 16/4 đến 19/4, toàn thành phố đã tiêm được 33.626 mũi/370.631 đối tượng trẻ cần tiêm, đạt 9,1%.

Đến nay, trên toàn quốc đã có 88.820 liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tới ngày 18/4, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ hơn 2,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Vaccine đã được chuyển đến các địa phương để phục vụ nhu cầu tiêm chủng.

Giáo sư Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, ở Việt Nam ước tính có khoảng 11,8 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022. Uớc tính có khoảng 3,6 triệu trẻ ở trong độ tuổi trên đã mắc COVID-19.

Hiện nay có 53 quốc gia đã và đang tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương đã có 20 quốc gia tiêm vaccine mRNA cho trẻ trong độ tuổi này.

Chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong những ngày đầu triển khai ghi nhận một số trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi… Không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Sơ bộ ban đầu tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp hơn thông báo của nhà sản xuất. Công tác an toàn tiêm chủng được thực hiện nghiêm túc tại tất cả các tuyến.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau một năm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiêm chủng được hơn 209 triệu liều, trong đó tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Nhằm thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, tiến tới sống chung an toàn với COVID-19 trong dài hạn, các quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược bảo vệ trẻ em trước các biến thể của virus SARS-CoV-2 bằng cách tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là cho trẻ dưới 12 tuổi.

Hiện nay, vaccine được coi là "vũ khí chiến lược," là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng vaccine có hiệu quả bảo vệ suy giảm theo thời gian. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh hoàn thành thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine cho các đối tượng phải tiêm hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 3 cho người cần tiêm trong quý 2 này.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa trong việc cung ứng, nhập khẩu và tiêm vaccine cho trẻ em; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2/2022 cho các đối tượng cần tiêm để các cháu đến trường an toàn trong các tháng học Hè và bắt đầu năm học mới an toàn vào tháng 9/2022./.

Cha mẹ thấy một trong các dấu hiệu sau tiêm vaccine COVID-19 cần đưa trẻ đi viện:
– Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
– Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
– Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
– Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
– Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
– Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
– Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
– Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường.
– Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
– Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
– Vị trí tiêm thường sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ nên cần tiếp tục theo dõi, sưng to nhanh thì đi khám ngay.

Theo Thùy Giang/Vietnam+

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)