Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiền ăn của học sinh tăng theo bão giá

Tạp Chí Giáo Dục

Trước Tết Nguyên đán, giá cả thị trường đã thiết lập một mặt bằng mới. Giá cả leo thang từ chợ đã vào đến các trường học của Hà Nội.
Mặt bằng giá mới
Đầu tháng, các phụ huynh của Trường Tiểu học La Thành đồng loạt nhận được thông báo của Công ty TNHH TPT&M (đơn vị phục vụ cơm bán trú cho tập thể giáo viên và học sinh nhà trường) cho biết suất ăn của học sinh sẽ tăng từ 15.000đ/học sinh lên 17.000đ/học sinh bắt đầu từ tháng 1-2011. Ở nhiều trường tiểu học khác cũng đang rục rịch tăng giá. Hiệu trưởng một trường tiểu học của quận Hoàn Kiếm cho biết, với mức đóng góp như hiện giờ, nhà trường không thể đảm bảo khẩu phần ăn cho trẻ em. Vì giá cả ngoài thị trường tăng giá mỗi ngày. Cụ thể, rau muống mấy hôm nay đã 5.000đ/bó, rau cải cúc cũng 3.000đ/bó… Thịt lợn, thịt bò không lên nhưng rau xanh thì lên chóng mặt. Nguyên nhân theo một hiệu trưởng lý giải đó là do miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm rét hại dài ngày, rau xanh không thể phát triển được. Tại các trường mầm non, suất ăn của trẻ cũng đang được các trường tăng giá hoặc đề nghị tăng giá. Chị Nguyễn Thị Thủy có con nhỏ đang học tại một trường mầm non tư thục ở quận Hà Đông cho biết, từ tháng 1-2011, mỗi ngày ăn của con chị tăng thêm 2.000đ, từ 30.000đ lên 32.000đ. Trước cơn bão giá, nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội đã phải tăng giá ngày ăn bán trú (gồm bữa trưa và bữa phụ) từ 2.000đ – 3.000đ/bữa. Tại quận Ba Đình và Hoàn Kiếm cũng trong tình trạng tương tự. Theo bảng báo giá rau mới nhất của một trường tiểu học, thì giá rau xanh đã tăng từ 20 – 40%, cụ thể xu hào tăng từ 4.500đ lên 7.000đ/kg; rau cải cúc từ 7.000đ lên 10.000đ/kg; cải ngọt từ 5.000đ lên 8.000đ/kg; cải bắp từ 6.000đ lên 10.000đ/kg. Với sự tăng giá này, thì bữa ăn của trẻ không thể giữ giá.
Và nỗi lo sau Tết Nguyên đán
Năm nào cũng thế, theo quy luật chung, cứ đến sau Tết Nguyên đán, giá cả tại các thành phố lớn lại thiết lập kỷ lục mới. Năm nay, dù Hà Nội và TP.HCM đã “bơm” rất nhiều tiền vào Quỹ Bình ổn giá nhưng người dân vẫn không khỏi lo lắng. Vì thực tế, Quỹ Bình ổn giá được đưa vào sử dụng từ vài tháng nay nhưng vẫn không thể kìm được giá. Phụ huynh có con em học bán trú thắc mắc không biết sau khi nghỉ Tết xong, giá bữa ăn của học sinh có lên giá theo thị trường. Còn các trường thì cũng không dám khẳng định không tăng giá tiếp. Vì bữa ăn của học sinh không thuộc “Quỹ bình ổn giá” cũng không được nhận bất kỳ trợ cấp nào. Với tình hình này, phụ huynh công lập lo một thì phụ huynh ngoài công lập lo mười. Ngoài lo tăng tiền ăn, họ còn lo các khoản khác cũng sẽ tăng theo thị trường. Chị Nguyễn Thu Phương, có con đang học tại Trường Mầm non Hoa Anh Đào (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hàng tháng số tiền chị đóng góp cho con đi học không dưới 2 triệu đồng. Nhưng mỗi tháng, số tiền này cứ tăng lên do nhà trường lý giải mọi thứ chi phí đều tăng. Không biết sau Tết năm nay, mức tiền mà chị sẽ phải đóng cho con sẽ bằng nào.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)