Được đồng nghiệp báo tin NSƯT Thanh Sang đã về với trời, dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử nhưng sự ra đi đột ngột của ông khiến tôi và tất cả những ai yêu nghệ thuật cải lương đều không khỏi bàng hoàng.
NSƯT Thanh Sang và NSND Lệ Thủy trong trích đoạn “Bên cầu dệt lụa” |
Hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật cải lương, NSƯT Thanh Sang luôn được các soạn giả và đạo diễn “đo ni đóng giày” vào những vai kép mùi. Tuy nhiên, mỗi vai diễn của ông đều mang dấu ấn riêng, không có sự lặp lại. Nếu soạn giả Hoa Phượng là người đã tạo nên danh hiệu Cải lương chi bảo cho nghệ sĩ Bạch Tuyết thì cũng chính soạn giả tài hoa này mệnh danh cho Thanh Sang “Giọng ca lãng tử” bởi Thanh Sang có chất giọng trầm buồn, phiêu bồng, một chút gì u uẩn, hoài niệm. Giọng ca đi liền nét diễn, chất mùi mẫn ấy đã làm say mê bao thế hệ khán giả. Ca hay bản vọng cổ đã đành, khi đi vào những bài Bắc như Xuân Tình, Tây Thi, Cổ Bản… Thanh Sang đều chứng tỏ nghệ thuật xử lý tài tình của mình khi ông có cái kiểu ngắt câu hoặc nối chữ rất điệu nghệ. Chính vì thế, những vai nào cần diễn xuất nội tâm nhiều thì ông thành công dễ dàng.
NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại làng chài ven biển thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Phước Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 1964, với vai diễn Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong vở “Cô gái Đồ Long”, ông đã đoạt HCV Giải Thanh Tâm – một giải thưởng mà rất nhiều nghệ sĩ cải lương đương thời muốn vươn tới. Báo chí lúc đó cũng hết lời ca ngợi Thanh Sang, cho rằng anh mang “đôi hia bảy dặm”, ngụ ý anh đã có một bước tiến dài, tiến nhanh trên con đường nghệ thuật. Sau đó, ông liên tiếp gặt hái được nhiều thành công trong các vai diễn mới như: Lữ Khánh Nhạc (Trường tương tư), Lý Quảng (Hoa Mộc Lan), Đảnh (Tần Nương Thất), Lê Long Hồ (Tuyệt tình ca), Võ Minh Thành (Đời cô Lựu)… Đặc biệt là các vai diễn chung với Thanh Nga như Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), thầy Khanh (Mưa rừng), Trần Minh (Bên cầu dệt lụa)…
Mặc dù NSƯT Thanh Sang không được học cao, nhưng ông nổi tiếng là người hiểu rộng, thông tuệ nhiều thứ, đặc biệt ông không bao giờ hát nhép dù sức khỏe có yếu như thế nào bởi theo ông, hát nhép là đánh lừa khán giả, tổ nghiệp… Ông quy y ở chùa Cần Thơ đã hơn 30 năm, pháp danh là Chân Từ, có nghĩa là chân thật và từ bi, và ông đã giữ pháp danh này cho đến cuối đời. Trước khi mất, buổi sáng ông và bà xã Ngọc Mỹ đi tập thể dục, xong về nhà xem phim, xem cải lương, đọc sách, đọc kinh Phật. Tối trước khi đi ngủ cũng đọc vài bài kinh. Những khi ông đau yếu, bà xã ông một bước cũng không rời chồng, là tài xế chở ông đi tập tuồng, khi ông đổ mồ hôi, bà lau trán, lấy nước, khi không có người hát đệm, bà đứng sau cánh gà hát đệm cho chồng và bạn diễn… Cô con gái cưng Bảo Trân và cậu con trai Bảo Châu của ông bà từng được đi du học nước ngoài, hiện rất thành đạt trong công việc. Cả hai hiện đã lập gia đình và cho ông bà lên chức ông bà nội, ông bà ngoại.
NSƯT Thanh Sang đã ra đi, nhưng tôi luôn tin rằng, cho dù có đi qua bao nhiêu năm nữa, khán giả sẽ nhớ về ông với những tình cảm trân trọng nhất. Khán giả luôn cảm nhận được giọng ca, nét diễn tuyệt vời trong các vở tuồng mà ông đã để lại cho nền nghệ thuật cải lương Việt Nam. Vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tài hoa…!!!
Bài, ảnh: K.Nguyên
Bình luận (0)