Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong lần thăm hỏi GS. Vũ Đình Hòe
|
11 giờ trưa nay (11-2), tại Nhà Tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3), lễ truy điệu GS. Vũ Đình Hòe sẽ được cử hành trọng thể, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Thành phố (Q.Thủ Đức). Vậy là, nước Việt thân yêu vĩnh viễn mất đi một hiền tài, ngành giáo dục mất đi một người thầy mẫu mực, ngành tư pháp mất đi một nhà khoa học luật học tài ba, giới báo chí thương tiếc một nhà báo cương trực…
Dẫu biết rằng sinh – lão – bệnh tử là điều không tránh khỏi, dẫu biết tuổi 100 là đại thọ nhưng tôi, cũng như tất cả những ai thân quen, biết đến GS. Vũ Đình Hòe, cũng đều bàng hoàng, hụt hẫng khi hay tin GS ra đi!
Tôi thuộc thế hệ hậu sinh nên chỉ biết GS. Vũ Đình Hòe qua báo chí, qua hồi kí của ông và nhất là qua chuyện kể của những bạn bè, đồng nghiệp, học trò ông kể lại. Trong phiên họp Ban chấp hành cuối năm, GS. Hoàng Như Mai – Chủ tịch Hội Nghiên cứu & Giảng dạy Văn học TP.HCM – cho biết, sau Tết Nguyên đán Tân Mão, Ban chấp hành Hội sẽ tổ chức trang trọng lễ mừng thọ 100 tuổi cho GS. Vũ Đình Hòe. PGS.TS Trần Hữu Tá – Phó chủ tịch Hội thì thông tin vắn tắt cho chúng tôi biết những đóng góp quan trọng của GS kể từ những ngày tiền khởi nghĩa đến hôm nay. Đóng góp của GS cho nền khoa học – cách mạng Việt Nam là to lớn và phong phú, đa dạng lĩnh vực từ giáo dục đào tạo cho đến tư pháp, luật học, xã hội học…, nhưng với tôi, ấn tượng nhất vẫn là vai trò một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết. Ai cũng biết tình hình Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám như “ngàn cân treo sợi tóc”, trong đó, giặc dốt là một mối nguy của dân tộc. Với vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đầu tiên (tháng 8-1945 đến 3-1946, sau đó 15 năm liên tục là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, rồi đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau, có những đóng góp xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất năm 1996), GS. Vũ Đình Hòe đã đề xuất và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý ngay 3 chủ trương mang tính “tạo nền” nhằm “phất cờ” giáo dục nước nhà trong thời điểm non trẻ của chính quyền cách mạng. Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm với mức tốn phí tiền bạc không đáng kể, vì chủ yếu dựa vào sức dân. Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học. Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục. Thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ của thực dân Pháp trước đây bằng nền giáo dục mới theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học. Không cần bàn luận thêm, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thấy rõ tầm quan trọng của 3 chủ trương này, nó không những cấp bách trong tình hình cách mạng lúc bấy giờ mà có những chủ trương vẫn mang tính thời sự, kế thừa, mãi đến hôm nay, giáo dục Việt Nam vẫn còn theo đuổi và quyết tâm thực hiện! Ngay trong những ngày gần cuối đời, ở cái tuổi tròn một trăm, người thầy mẫu mực, nhà khoa học lỗi lạc ấy vẫn luôn trăn trở với việc nước việc dân, với nền khoa học nước nhà, với sự nghiệp trồng người, được thể hiện rõ qua những công trình nghiên cứu, những bài viết về giáo dục đầy tâm huyết! Thật đáng trân trọng biết nhường nào sự lao động cần mẫn, miệt mài của một nhà giáo lão thành, một nhà khoa học với nhân cách, tài năng cao cả!
Ấy vậy mà, tối 29 Tết, PGS. TS Trần Hữu Tá thông tin cho chúng tôi biết GS. Vũ Đình Hòe đã về với tổ tiên! Thầy Hòe ra đi khi còn nhiều dự định chưa thực hiện xong, khi bao bạn bè đồng nghiệp, học trò có những dự định thực hiện tri ân thầy mà chưa thực hiện được, trong đó có việc mừng thọ 100 tuổi của Hội Nghiên cứu & Giảng dạy Văn học TP.HCM, khi mà giáo dục nước nhà đang cần những con người tài năng, đức độ và tâm huyết như thầy để thúc đẩy con thuyền giáo dục vươn ra biển lớn một cách vững vàng!
Từ hôm qua đến hôm nay, tại Nhà Tang lễ thành phố, hàng trăm đoàn với hàng vạn người dân từ Bắc vào Nam, từ trung ương đến địa phương đã đến viếng GS. Vũ Đình Hòe. Ở đó, có cả những cụ cao niên như GS. Hoàng Như Mai, PGS.TS Trần Hữa Tá… và có cả những bạn trẻ, nhiều em đoàn viên, đội viên, và đông đảo nhất là đội ngũ thầy cô giáo, các thế hệ học trò các thời kì của giáo sư! Tất cả trong nghẹn ngào, xúc động tiếc thương trước sự ra đi của một nhân cách lớn! Thầy Vũ Đình Hòe đã về với cõi vĩnh hằng, đã đoàn tụ với tổ tiên, đi gặp thầy giáo Chu Văn An, Đồ Chiểu, Nguyễn Tất Thành… nhưng những tâm huyết và đóng góp và nhân cách cao đẹp của thầy vẫn còn ở lại với dân tộc Việt Nam! Chắc chắn rằng, đội ngũ trí thức nói chung, hơn một triệu thầy cô giáo nói riêng nguyện kế tục xứng đáng sự nghiệp mà thầy để lại.
NGUYỄN VĂN CẢI
(UV BCH Hội Nghiên cứu & Giảng dạy Văn học TP.HCM)
Bình luận (0)