- 1 Tiễn biệt tác giả “Bài ca đất phương Nam” huyền thoại!
Dẫu biết là sinh lão bệnh tử nhưng sự ra đi của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – tác giả của “Bài ca đất phương Nam” huyền thoại vẫn làm cho các đồng nghiệp lẫn khán giả hâm mộ ông tiếc thương vô hạn!

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – tác giả của các ca khúc nổi tiếng như “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Bài ca đất phương Nam”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Tưởng nhớ Trần Văn Ơn”, “Khúc hát người đi khai hoang”… đã qua đời ở tuổi 90 sau thời gian điều trị tại bệnh viện.
1. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp của mình, các sáng tác của ông đã sống mãi trong lòng nhiều thế hệ. Tôi có may mắn được gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nhiều lần, từ cái thời tôi còn là cậu sinh viên thực tập nhưng đã vinh dự được ông dành cho một cuộc phỏng vấn chuyên mục “Thời đi học của người nổi tiếng” đăng trên Tạp chí Giáo dục TP.HCM. Tôi nhớ rất rõ lần gặp ấy, ông cười thật tươi và bảo: “Tôi đã trả lời phỏng vấn hàng ngàn bài báo, nhưng cậu là người đầu tiên hỏi tôi về thời đi học. Đây là cái thời có rất nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ có thể quên trong cuộc đời của mình…”. Với tôi, bài báo ấy cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong quãng đời làm báo của mình!
Lần khác, khi bộ phim “Đất phương Nam” của đạo diễn Vinh Sơn phát sóng trên HTV, ca khúc chủ đề phim là “Bài ca đất phương Nam” qua tiếng hát của ca sĩ Tô Thanh Phương nổi đình nổi đám, tôi xin gặp lại nhạc sĩ Lư Nhất Vũ để phỏng vấn. Ca khúc này do ông viết nhạc và vợ ông là nhà thơ Lê Giang phổ lời. Không lâu sau khi ra mắt, bài hát đã dứt khỏi bộ phim đứng độc lập, không còn chỉ của bộ phim mà đã trở thành một bài ca đặc trưng dành cho vùng đất phương Nam được khán giả thừa nhận mà không phải qua bất cứ cuộc bình chọn hay công nhận nào. Bài hát cũng được nhiều ca sĩ thể hiện lại như Hương Lan, Bích Phượng, Như Quỳnh, Phi Nhung, Trọng Phúc, Cẩm Ly, Quốc Đại và Lương Bích Hữu, Phương Mỹ Chi… rất thành công.
Nhà thơ Lê Giang từng cho biết ông và bà đi qua hàng trăm cánh đồng ở miền Tây để chắt chiu cảm xúc trong “Bài ca đất phương Nam”. Hình ảnh của vùng đất Gáo Giồng, Đồng Tháp Mười thể hiện trong nhạc phẩm đầy chất hùng vĩ và thiêng liêng.
Còn ca khúc “Hãy yên lòng mẹ ơi” cũng được ra đời gắn liền với một kỷ niệm không quên. Nhạc sĩ kể “Vào năm 1978, trên lầu 6 của một chung cư, chúng tôi tiễn đứa con trai Lê Anh Trung lên đường nhập ngũ, đi làm nhiệm vụ ở biên giới Campuchia. Trước khi ra đi, con trai ôm hôn chúng tôi rồi nói lời chào chia tay, giọng nói đầy xúc động: “Ba mẹ hãy yên lòng về con”.
Câu nói ấy gợi cho nhạc sĩ và nhà thơ Lê Giang phác thảo ngay bài hát “Hãy yên lòng mẹ ơi”. Trong chiến dịch biên giới Tây Nam, ca khúc này đã được biểu diễn rất nhiều lần qua giọng hát Đình Văn, Lê Hành, Mai Trực, sau này có thêm Đan Trường, Trọng Tấn, Nguyễn Phi Hùng…
![]() Với những đóng góp quan trọng cho âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 và nhiều giải thưởng huân chương, huy chương khác. Trong đó có Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh; Giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục… |
2. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên thật là Lê Văn Gắt, sinh năm 1936 tại tỉnh Bình Dương. Ông tham gia cách mạng khi còn rất trẻ. Đến năm 1976, Lư Nhất Vũ được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia thanh niên xung phong rồi theo học tại Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông công tác ở Đoàn ca múa miền Nam. Đến năm 1970, ông được phân công trở về miền Nam công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được phân công về công tác ở Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.HCM) với các cương vị là Phân viện trưởng Phân viện Âm nhạc tại TP.HCM, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM.
Ngoài âm nhạc, ông có nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ về dân ca các miền, viết cùng một số tác giả khác như Tìm hiểu dân ca Nam bộ, Nhạc và đời, Hát ru Việt Nam, Ví ru tình đời…
Năm 2009, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là nhạc sĩ có nhiều công trình sưu tầm và nghiên cứu các thể loại dân ca Việt Nam như: Công trình sách bao gồm: Tìm hiểu dân ca Nam bộ (1983); Dân ca người Việt ở Nam bộ (1986); Tập ca khúc Lư Nhất Vũ (1995); Nhạc và Đời (1989); 300 điệu lý Nam bộ (2002), Hò trong dân ca Việt Nam (2004), Hát ru Việt Nam (2005), Lý trong dân ca người Việt (2006); Nói thơ – Nói vè – Thơ rơi Nam bộ (2010); Hành khúc giải phóng (2011); Đi tìm kho báu vô hình (2014); Vi vu tình đời (2022)…
3. Cố diễn viên Nguyễn Hậu, chủ nhiệm bộ phim “Đất phương Nam” từng chia sẻ “Khi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đem nhạc điệu Nam bộ vào bài hát, mọi tinh thần về đất và người nơi đây đều được chuyển tải một cách da diết, tinh tế và thấm thía”.
Diễn viên Lê Quang, người vào vai Võ Tòng trong phim “Đất phương Nam” cho biết ca khúc chính là bài hát anh biểu diễn thường xuyên trên các sân khấu dù bộ phim đã kết thúc 18 năm.
Ca sĩ Ngọc Ánh xúc động kể: “Tôi bén duyên hát dân ca khi mới 12 tuổi, được đơn ca bài “Sáng nay em đến trường” để thu âm và quay hình chương trình Những bông hoa nhỏ cho Đài Truyền hình TP.HCM tháng 8-1976.
Mãi đến 20 năm sau, trong một dịp tình cờ tôi kể chuyện về bài hát “Sáng nay em đến trường” là một ca khúc thiếu nhi mang âm hưởng dân ca Nam bộ với những luyến láy, nốt, quãng và âm vực quá khó cho một đứa trẻ 12 tuổi, thì mới được biết bài đó do bố Vũ (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ) sáng tác.
Năm 1989, lần đầu tiên tôi được gặp cô Lê Giang và chú Lư Nhất Vũ tại Đài Truyền hình TP.HCM khi được thu âm và quay hình bài hát “Bên tượng đài Bác Hồ” trong chương trình Tác giả – tác phẩm của Hội Âm nhạc TP.HCM thực hiện. Sau này, tôi hát rất nhiều bài dân ca rất khó, rất độc đáo cũng nhờ ơn chú Vũ dạy tôi hát từng câu, luyến láy từng nốt nhạc cho chính xác…”.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ra đi nhưng tôi luôn tin rằng, cho dù có đi qua bao nhiêu năm nữa, khán giả sẽ nhớ mãi về ông với những tình cảm trân trọng nhất. Khán giả luôn cảm nhận được những ca từ tuyệt vời trong các tác phẩm mà ông đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam.
Vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa!
Song Minh
Bình luận (0)