Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tiến độ là tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, ngày 26/12/2008, tấn clinker đầu tiên của nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh đã chính thức ra lò để chuẩn bị cho sản xuất xi măng vào tháng 3/2009. Những “bí quyết” để hoàn thành nhà máy Xi măng có công suất lớn nhưng lại rút ngắn thời gian đầu tư, xây dựng, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước đã được ông Mai Ngọc Liêm – TGĐ Tafico tiết lộ trong cuộc trao đổi với DĐDN.

Ông Liêm cho biết: "nhà máy Xi măng Tafico có công suất trên 4.000 tấn/ngày, có tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng, lớn nhất và được Chính phủ chọn làm dự án trọng điểm của khu vực phía Nam.
– Thưa ông, việc được chọn là dự án trọng điểm của khu vực có phải là lợi thế lớn nhất của dự án này?
Có thể khẳng định ngay rằng chúng tôi đã thắng ở việc đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc ngay ở khâu cơ chế. Thông thường một dự án lớn thuộc diện nhóm A của Chính phủ, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước là để TCT Fico đứng ra đầu tư thì chắc chắn thời gian sẽ kéo dài hàng chục năm nhưng chưa hẳn đã xong. Ngay từ đầu, kể từ khi có ý tưởng đến khi đi dến quyết định đầu tư chúng tôi đã mạnh dạn xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án. Chính từ điều này khiến cho chủ đầu tư chủ động và quyết liệt hơn trong định hướng đầu tư, lựa chọn nhà thầu phù hợp với nhu cầu thực tế của dự án. Trong đó, ngay từ đầu Tafico đã chọn đấu thầu theo hình thức EBC nên đã rút ngắn được tiến độ và đồng thời cách thức tổ chức thi công xây lắp rất tốt. Tuy nhiên, với hình thức này thì bắt buộc chủ đầu tư phải lựa chọn và kiểm tra chặt chẽ năng lực của nhà thầu. Đơn vị cuối cùng được chọn là Viện nghiên cứu thiết kế công nghiệp xi măng Thiên Tân (Trung Quốc).
– Ông có thể nói cụ thể hơn về những khó khăn trong quá trình thi công và cách mà Tafico đã vượt qua những khó khăn ấy?
Trong quá trình đầu tư dự án này, chúng tôi luôn tâm niệm tiến độ mới là tiền. Do đó, ngay sau khi lựa chọn được nhà thầu chúng tôi luôn kết hợp với nhà thầu để tháo gỡ những khó khăn.

Mặc dù cả nước có hơn 30 thương hiệu xi măng, tuy nhiên những biến động về giá như giữa năm 2008 vẫn khiến người dân chịu thiệt hại. Ông Mai Ngọc Liêm khẳng định: Việc nhà máy Tafico sớm đi vào sản xuất cũng giúp công ty sớm tham gia vào việc bình ổn thị trường xi măng của khu vực phía Nam.

Ngoài việc lựa chọn công nghệ xi măng của Đức, thì chúng tôi đã mạnh dạn thống nhất với nhà thầu những thiết bị nào trong nước không sản xuất được thì mới phải nhập về. Cũng chính từ việc lựa chọn hình thức thầu EBC đã giảm bớt được gần 200 gói thầu phụ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và thủ tục trong quá trình đầu tư nên đã rất thuận lợi trong thời gian thi công của nhà máy. Việc rút ngắn tiến độ đầu tư, trong vòng hơn 4 năm thì mất hơn 2 năm đầu làm thủ tục đầu tư và chỉ sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, hoàn thành dự án, tính ra đã giúp cho nhà máy tiết kiệm được trên 300 tỷ đồng. Đây không phải là con số quá lớn so với mức đầu tư của dự án nhưng đã giúp chúng tôi chớp thời cơ trên thị trường. 
– Năm 2009, đánh giá là một năm gặp rất nhiều khó khăn với các DN. Là một DN mới ra đời, Tafico sẽ ứng phó với những khó khăn này thế nào?
Chính từ việc rút ngắn thời gian đầu tư là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường của sản phẩm xi măng Tafico. Chi phí đầu tư thấp sẽ làm cho giá thành của mỗi sản phẩm của chúng tôi cũng thấp hơn so với các sản phẩm khác. Thực tế, trước khi có được những sản phẩm mới Tafico đã tạo cho mình một bước đệm trên thị trường với hệ thống 3 trạm nghiền clinker, thương hiệu và sản phẩm xi măng mang tên Fico. Trong đó, sau khi được chính thành lập công ty cổ phần, song song với việc đầu tư xây dựng nhà máy tháng 10/2006 chúng tôi đã đưa ra thị trường sản phẩm xi măng Fico, đã nhanh chóng khẳng định về chất lượng, dịch vụ và trở thành một thương hiệu xi măng lớn mạnh có uy tín trên thị trường. Trong 2 năm vừa qua đã tiêu thụ gần 1 triệu tấn xi măng mang thương hiệu Fico, góp phần xây dựng nhiều công trình lớn và thương hiệu Fico đang có "tên tuổi" trong khắp các khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ, TP HCM… Ngay chính các thị trường này sản phẩm xi măng mang tên Fico đang được "nóng" nên bởi chính nhà máy  mới với những sản phẩm cao cấp hơn được ra lò. Đến nay, chúng tôi đã có hơn 500 đại lý, nhà phân phối và hàng chục trạm trộn bêtông được trải đều trong khu vực. Với sản phẩm xi măng mới ra đời ngoài việc củng cố, đẩy mạnh thị trường có sẵn, phát triển mạnh thị trường Tây Ninh thì chúng tôi đang tiến hành phát triển sang thị trường trọng yếu là Campuchia.
   Trong bối cảnh cạnh tranh với khoảng 30 thương hiệu xi măng có mặt trên thị trường trong nuớc, để đưa xi măng FICO trở thành một trong những thương hiệu xi măng hàng đầu trong năm năm tới, Tafico tập trung vào ba vấn đề cốt lõi: đầu tư cho quy trình sản xuất xi măng chất lượng cao PCB40, xây dựng đội ngũ nhân viên nhiệt huyết và giỏi tay nghề, phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ. Với định hướng khá rõ ràng này, chúng tôi tin mình sẽ thành công.
– Xin cảm ơn ông !
Viết Đoàn (dddn)
 

 

Bình luận (0)