Tòa soạnThư đi – tin lại

Tiền Giang: Nỗi lo từ những chuyến đò ngang

Tạp Chí Giáo Dục

Chiếc đò này bề ngang rộng 1m, dài 4m mà chở đến 4 khách vượt sông Tiền. 
Ảnh: C.Trọng

Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra công tác an toàn tại các bến đò ngang. Tuy nhiên, vẫn còn một số bến hoạt động không đảm bảo: Không phép, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá số người quy định – nhất là các bến đò có lượng học sinh (HS) qua lại đông.
Đây là mối nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Tai nạn chực chờ
Hiện, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 140 bến khách ngang sông, đó là chưa kể các bến nhỏ lẻ và tự phát. Hoạt động của các bến này còn nhiều bất cập, phương tiện vận chuyển khách đa dạng về chủng loại, gồm cả loại có động cơ và không động cơ. Bên cạnh một số phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đăng ký, đăng kiểm đầy đủ thì vẫn còn khá nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm hoặc đăng ký, đăng kiểm đã hết hạn nhưng vẫn hoạt động. Đa số các bến đò ngang sông không có hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, không có báo hiệu đường thủy từ xa, đặc biệt là các bến đò chèo tay thì hầu như không trang bị phao cứu sinh. Tại bến đò Quơn Long, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, do nhu cầu qua lại của bà con ở hai bờ sông rất lớn nên đò này luôn trong tình trạng quá tải, trong khi lòng sông lại hẹp, nguy cơ xảy ra tai nạn ở đây là rất lớn. Có mặt tại bến đò này, cô Trần Thị Phương, giáo viên Trường Tiểu học Quơn Long bức xúc: “HS phải qua lại bằng đò nên rất khó khăn. Chủ đò chưa trang bị đầy đủ áo phao. Rất mong các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục cho các chủ đò ý thức về vấn đề này để đảm bảo an toàn tính mạng cho người đi đò”. Ngoài ra, ở những bến đò nhỏ lẻ tại tuyến kênh Chợ Gạo, có nhiều bến đò chưa được cấp phép, không phao cứu sinh, người điều khiển phương tiện chưa có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Không những thế, đò còn chở quá tải trọng, nhất là ở các bến đò thường xuyên chở HS đi học, người dân đi chợ, dẫn đến nguy cơ tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên kênh Chợ Gạo đi từ cầu Chợ Gạo đến Đồng Sơn chỉ khoảng hơn 10km, chúng tôi bắt gặp 5-6 bến đò, bắt đầu từ đò cống Ba Cà, rồi đến đò Giữa, đò Quơn Long, đò Đồng Sơn… Hầu hết các đò này đều có vi phạm về an toàn đò dọc, 100% khách qua đò đều không mặc áo phao.

Bến đò Quơn Long, nơi có nhiều HS qua lại. Ảnh: S.Vĩnh

Tại bến đò Tân Long (đường Trưng Trắc – phường 1 – TP.Mỹ Tho), chúng tôi bắt gặp khá nhiều chiếc đò bề ngang chỉ rộng chừng 1m, dài 4m, nhưng có khi chở khách từ 4-6 người, chòng chành vượt sông Tiền. Hầu hết những người đi đò chèo tay này là khách du lịch từ các nơi đến, muốn tham quan miền sông nước Tiền Giang. Tuy nhiên, việc trang bị áo phao, thiết bị an toàn cứu hộ, cứu nạn hoàn toàn không có. Tương tự,  dọc theo đường 30-4, cạnh bến tàu du lịch của TP.Mỹ Tho, rải rác hơn 10 chiếc đò chèo tay để đưa khách du lịch vượt sông Tiền đến các cù lao miệt vườn, sông nước ở các huyện lân cận. Thậm chí vượt sông Tiền để đến cù lao Tân Long, điều đó rất nguy hiểm.
An toàn đò ngang bị bỏ ngỏ?
Toàn tỉnh, qua đợt kiểm tra của các lực lượng chức năng đã có tới gần 30% bến đò bị đình chỉ hoạt động, một số đò buộc phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa. Tuy nhiên, nhiều đò vẫn lén lút hoạt động chở khách qua sông. Hiện nay các bến khách ngang sông, bến đò, đã giao cho UBND phường, xã và các đơn vị quản lý. Việc khai thác vận chuyển khách, bằng hình thức đấu thầu, nộp thu ngân sách địa phương, thời gian khai thác ngắn, vì lẽ đó chủ các bến không chú ý đến việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa bến. Chỉ chú ý đến việc khai thác thu hồi vốn, mà bỏ ngỏ việc đảm bảo an toàn cho khách?!?
Việc xây dựng các bến đò ngang an toàn và được quản lý chặt chẽ là điều rất cần thiết. Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần có sự chỉ đạo kiên quyết, cộng với ý thức của người dân được nâng cao thì vấn đề an toàn đò ngang mới có thể được thực hiện tốt.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phó bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang cho biết: “Hiện, tỉnh đang triển khai mô hình “Bến đò ngang an toàn” tại 8 bến đò tiêu biểu. Mỗi bến thành lập một đội hình 10 thanh niên tình nguyện để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông cho các chủ phương tiện. Ngoài ra, đội này còn phát hiện, tố giác những phuơng tiện vi phạm”.
Chí Trọng – Sơn Vĩnh
 

Bình luận (0)