Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Tiền Giang: Tận dụng ưu thế để nâng chất ngành du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Những tháng đầu năm, mặc dù vẫn không nằm ngoài những khó khăn chung do tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao nhưng ngành du lịch Tiền Giang đã đạt được những kết quả khả quan.
Tiền Giang: Tận dụng ưu thế để nâng chất ngành du lịch
Khu du lịch Thới Sơn
Tuy nhiên, hiện ngành du lịch Tiền Giang vẫn chưa phát huy hết tiềm năng du lịch địa phương và cần thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tập trung khai thác tiềm năng du lịch
Tính đến thời điểm này, lượng du khách đến Tiền Giang đã có sự gia tăng đáng kể với tốc độ tăng trưởng cao hơn 27,2% so với cùng kỳ năm 2010. Để đạt được kết quả này, Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, tận dụng các ưu thế địa phương để tạo ra các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua ngành du lịch Tiền Giang cũng có nhiều thuận lợi do đường giao thông đến Tiền Giang đã thông suốt và tiện lợi hơn, nhất là sau khi đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương hoàn thành. Nhiều công trình phục vụ du lịch đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Chợ đêm ẩm thực Mỹ Tho gồm hàng trăm hàng quán với các món ăn dân dã, đặc trưng của miền sông nước miền Tây Nam Bộ đều được bày bán hàng đêm ngay giữa trung tâm thành phố Mỹ Tho để phục vụ du khách; Bến tàu du lịch Tp. Mỹ Tho gồm có các hạng mục trung tâm điều hành du lịch, sảnh đón khách, nhà thông tin, khu bán hàng lưu niệm, nhà trưng bày, cầu tàu, bãi đậu xe.
Song song với việc khai thác các sản phẩm du lịch đã có nhiều năm qua, nhiều điểm du lịch mới đang được ngành du lịch tỉnh xây dựng và từng bước đưa vào sử dụng. Theo Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị du lịch trong tỉnh đang khai thác và đưa vào chương trình tham quan 3 khu du lịch truyền thống như Khu du lịch cù lao Thới Sơn, khu du lịch Cái Bè, khu du lịch biển Tân Thành. Bên cạnh đó, khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười đã hoàn thành giai đoạn I (với các hạng mục bãi đậu xe, cầu tàu, trạm dừng chân du lịch) cũng đang mở cửa đón khách.
Ngoài ra, nhằm tạo ra sự phong phú, đa dạng về chủng loại các sản phẩm du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu ngày cang cao của du khách, nhiều di tích lịch sử rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học ở địa phương như Chùa Vĩnh Tràng, đình Long Hưng, di tích chiến thắng Ấp Bắc, lăng Thủ Khoa Huân, lăng Trương Định, di chỉ khảo cổ ốc eo Gò Thành, Bảo tàng Tiền Giang, … đã được tỉnh trùng tu, tôn tạo và phát triển tạo điều kiện cho sự ra đời các gói du lịch sinh thái kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, văn hóa.
Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng đã thiết kế các tuyến điểm tham quan du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch. Ngoài các tuyến du lịch truyền thống đã khai thác ở cù lao Thới Sơn, Cái Bè, biển Tân Thành, hiện chương trình du lịch sinh thái sông nước đã đưa vào lịch trình các điểm du lịch mới như tham quan vườn cây ăn trái ở Vĩnh Kim, Tân Phong, Ngũ Hiệp, chương trình tham gia tát đìa bắt cá ở cù lao Thới Sơn… Nếu như trước đây, chương trình du lịch sinh thái chỉ gồm các điểm du lịch trong tỉnh thì nay các đơn vị khai thác du lịch cũng đã có sự liên kết, nối tuyến với các điểm tham quan du lịch sinh thái ở các tỉnh lân cận như Bến Tre, Vĩnh long,…

Phát triển loại hình du lịch nghĩ dưỡng

Mặc dù loại hình du lịch nghĩ dưỡng là loại hình du lịch mới ở Tiền Giang nhưng loài hình su lịch này đang được tỉnh đầu tư phát triển mạnh và bước đầu đầu đã đem lại những kết quả khả quan. Một trong những khu du lịch nghĩ dưỡng hàng đầu ở tỉnh phải kể đến là Mekong Lodge Resort ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Theo ông Lê Nhựt Quang, Quản lý tại khu du lịch nghĩ dưỡng này, diện tích khu Resort nghỉ dưỡng Mekong Lodge khoảng 7.200m2 gồm có hệ thống khách sạn, nhà hàng, các hạng mục công trình phục vụ du lịch chủ yếu phục vụ khách du lịch quốc tế lưu trú qua đêm, ăn trưa cùng với các hoạt động du lịch như câu cá, chạy xe đạp thăm làng nghề, nhà cổ, vườn trái cây… với lượng du khách nước ngoài lưu trú qua đêm mỗi ngày trung bình khoảng 40 khách.
Ngoài việc khai thác tốt các tiềm năng du lịch cũng như mở rộng các loại hình du lịch mới, ngành du lịch tỉnh cũng rất chú trọng đến việc phát triển các hệ thống dịch vụ để phục vụ nhu cầu ăn uống, nghĩ ngơi, tham quan của du khách. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 20 nhà hàng có khả năng phục vụ du khách quốc tế như nhà hàng Chương Dương, Làng Việt, Trung Lương, Sông Tiền…; hơn 140 cơ sở lưu trú, trong đó có 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 33 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao cùng hệ thống các nhà khách du lịch. Thời gian qua, các phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch cũng phát triển mạnh với hơn 240 đò du lịch loại lớn, 6 ca-nô và 120 đò chèo, đủ sức phục vụ gần 3.000 lượt khách mỗi ngày.

Cần thực hiện nhiều giải pháp để đạt đích

Theo kế hoạch của ngành du lịch Tiền Giang, từ nay đến cuối năm du lịch Tiền Giang cần phải đón thêm khoảng 412 ngàn lượt khách. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu này, ngành du lịch tỉnh phải nỗ lực hơn rất nhiều, bởi mặc dù những tháng đầu năm du khách đến Tiền Giang có tăng nhưng nhìn chung du lịch Tiền Giang vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có sự liên kết đồng bộ, nhất là chưa giữ chân được du khách, do tại các điểm du lịch chưa có hệ thống nhà hàng, khách sạn lưu trú qua đêm, chưa có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí để đáp ứng nhu cầu du khách.
Về các giải pháp triển khai để ngành du lịch Tiền Giang phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cho biết, ngành du lịch Tiền Giang sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các khu du lịch hiện có, đồng thời kết nối các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để tạo sự phát triển chung cho cả vùng; Khảo sát, đánh giá và có biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, rà soát các thiết chế văn hóa ở địa phương để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, phục vụ phát triển du lịch; Tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của du khách; Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến của du lịch Tiền Giang với khách du lịch trong và ngoài nước; Khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch chất lượng cao để thu hút du khách có thu nhập cao và du khách quốc tế; Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án du lịch đã được chấp thuận đầu tư; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao tính chuyên nghiệp phục vụ du lịch; Tập trung xử lý tốt vệ sinh môi trường tại các khu, tuyến, điểm du lịch gắn với triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, nhất là tại các khu, tuyến du lịch trọng điểm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến hết tháng 8/2011, Tiền Giang đã đón 635.700 lượt khách du lịch, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, khách du lịch quốc tế là 345.800 lượt khách, đạt 68,3% kế hoạch năm 2011 và tăng 53,3% so cùng kỳ năm 2010. Chỉ riêng trong tháng 8/2011, tỉnh đón 71.100 ngàn lượt khách, tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Theo Thành Công
CôngThương


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)