Nhằm tăng cường tiện ích cho hành khách sử dụng xe buýt trong kế hoạch hưởng ứng chương trình “Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2017-2021, tầm nhìn đến năm 2030”, mới đây Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM) đã đưa vào vận hành nhà chờ xe buýt hiện đại tại khu vực Trường THCS Minh Đức (số 75 Nguyễn Thái Học, quận 1).
Nhà chờ xe buýt hiện đại trước cổng Trường THCS Minh Đức được đưa vào vận hành từ ngày 4-6
Nhiều tiện ích
Nhà chờ xe buýt hiện đại này cũng chính là điểm nhà chờ cầu Ông Lãnh, được thiết kế với kích thước 2 x 6,5 mét, có camera giám sát, bảng thông tin điện tử led, hệ thống điện năng lượng mặt trời, lối lên xuống cho người khuyết tật, loa phát thanh giúp người dân yên tâm trong việc chờ đón xe. Đặc biệt, bảng thông tin điện tử còn liên tục hiển thị các thông tin về tuyến xe và thời gian xe buýt đến trạm giúp hành khách chủ động chọn thời điểm lên xe phù hợp. So với hệ thống nhà chờ cũ, băng ghế của nhà chờ hiện đại đã được cải tiến với những ô ngồi cách biệt, tạo khoảng cách nhất định giữa từng hành khách khi sử dụng băng ghế chờ.
Nhằm giúp hành khách chọn tuyến xe buýt phù hợp, vách tường nhà chờ còn hiển thị sơ đồ di chuyển của các tuyến buýt đi ngang qua đây, gồm tuyến số 31 (Đại học Tôn Đức Thắng – Bến Thành – Đại học Văn Lang); tuyến số 46 (Cảng quận 4 – Bến Thành – Bến Mễ Cốc); tuyến số 72 (Bến xe buýt Sài Gòn – Hiệp Phước); tuyến số 139 (Bến xe Miền Tây – Khu tái định cư Phú Mỹ) và tuyến số 140 (Bến xe buýt Sài Gòn – Phạm Thế Hiển – Khu dân cư Phú Lợi). Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho phụ huynh khi chờ đón học sinh, đơn vị thi công còn thiết kế hệ thống lan can bảo vệ dài 21 mét sát mép bó vỉa hè trước khu vực mặt tiền trường học. Được biết công trình nhà chờ hiện đại được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, với tổng kinh phí 700 triệu đồng do Tập đoàn Novaland tài trợ.
Nói về mô hình này, ông Trần Quang Lâm (Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) cho biết trong năm 2018, thành phố đã hoàn thành 150 nhà chờ xe buýt và 500 trụ chờ kiểu mới. Trong năm 2019, ngành giao thông tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đồng thời cũng sẽ tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng, nhằm thực hiện chiến lược thu hút người dân tham gia giao thông bằng xe buýt ngày một hiệu quả hơn. |
Trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng đã đưa vào sử dụng nhà chờ xe buýt kiểu mẫu hiện đại tại khu vực Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (đường Lê Quý Đôn, quận 3) bằng nguồn vốn xã hội hóa do Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) tài trợ. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục lắp đặt 4 nhà chờ kiểu mẫu trước tòa nhà Novaland (trên đường Phổ Quang, quận Phú Nhuận), Bệnh viện Từ Dũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), Cung Văn hóa Lao động (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) và Trường ĐH Sài Gòn (đường An Dương Vương, quận 5).
Thu hút học sinh – sinh viên tham gia
Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cho biết, việc đưa vào sử dụng nhà chờ xe buýt hiện đại là một trong những hoạt động hưởng ứng kế hoạch hành động năm 2018 của Bộ GTVT với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” và chương trình phòng chống bạo lực quấy rối tình dục tại nơi công cộng của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đồng thời, mô hình này cũng hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh giao thông vận tải hành khách thân thiện, tiện lợi, an toàn, qua đó khuyến khích người dân, nhất là đối tượng học sinh – sinh viên tham gia giao thông bằng xe buýt. Là một trong số những hành khách trải nghiệm tiện ích của nhà chờ hiện đại trước cổng Trường THCS Minh Đức, em Lê Thị Ngọc Ly (sinh viên năm I, Trường Đại học Văn Lang) nhận xét: “Nhà chờ xe buýt hiện đại nên có đầy đủ thông tin về tuyến xe cần đi, thời gian xe đến đón và có cả camera giám sát nên em hoàn toàn an tâm khi chờ xe ở đây. Đặc biệt, việc lắp đặt nhà chờ hiện đại trước cổng trường cũng là cách thu hút học sinh – sinh viên đi xe buýt ngày càng nhiều hơn”. Đó cũng là lý do Ly chọn đi xe buýt từ lúc có nhà chờ, thay cho việc đi lại bằng phương tiện xe máy trước đó.
Từ số liệu thống kê của Sở GTVT TP.HCM về số lượng hành khách đi xe buýt trong năm 2018 là 571 triệu lượt khách, ông Nguyễn Đức Trị (Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP) cho rằng, chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách thông qua phương tiện vận tải hành khách công cộng đô thị sẽ ngày càng tăng cao. Cụ thể, chỉ tiêu này trong năm 2018 là 9,6%, năm 2019 là 11,2% và năm 2020 sẽ tăng lên 15%. Để đạt được mục tiêu này, ngành vận tải hành khách công cộng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút hành khách, trong đó có giải pháp đầu tư hệ thống nhà chờ kiểu mẫu, hiện đại.
Đinh Vũ
Bình luận (0)