Thông tin từ Sở GTVT TP cho biết, UBND TP vừa giao cho sở và một số đơn vị chức năng phối hợp cập nhật dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP.HCM”. Đây là động thái nhằm tiến tới khởi động lại dự án này, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển.
TP.HCM sẽ khởi động lại dự án đầu tư vé điện tử thông minh nhằm tạo thêm nhiều tiện ích cho hành khách khi đi xe buýt |
Điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế
Trước đây, dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP.HCM” được UBND TP phê duyệt vào năm 2015. Dự án dự kiến được thực hiện trong 15 năm (từ năm 2017 đến 2032) theo hình thức đối tác công – tư (gọi tắt là hợp đồng BOO), với tổng vốn đầu tư hơn 278 tỷ đồng, do liên danh Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn và Công ty Hệ thống thông tin FPT (thuộc Tập đoàn FPT) thực hiện. Tham gia dự án này, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 15 năm, miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai vé điện tử thông minh trên 105 tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá, với khoảng hơn 1.950 xe các loại. Nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho hành khách, các quầy bán vé điện tử sẽ được lắp đặt tại những bến đầu và cuối của các tuyến xe buýt có lượng khách trung chuyển lớn như chợ Bến Thành, Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Bến xe Chợ Lớn, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư ga, Công viên 23-9, Đại học Quốc gia, Đại học Nông Lâm… Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước chưa duyệt khung tiêu chuẩn cho vé điện tử, nên TP đấu thầu quốc tế dự án vé điện tử xe buýt không thành công ở thời điểm năm 2017.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP, hiện nay bình quân mỗi ngày TP có 846.191 lượt hành khách tham gia lưu thông bằng xe buýt (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Do đó, khi sử dụng vé điện tử thông minh hành khách có thể chủ động nạp tiền vào thẻ từ các kênh thanh toán điện tử một cách dễ dàng. Mô hình này một khi đã đi vào hoạt động hiệu quả sẽ tạo được nhiều hiệu ứng tích cực cho lĩnh vực giao thông công cộng của TP. |
Nhận thấy lợi ích của vé điện tử thông minh, nên trước đây TP đã nhiều lần thí điểm mô hình sử dụng thẻ trả trước thay cho vé thường như hiện nay. Năm 2010 là lần đầu tiên TP thí điểm sử dụng thẻ trả trước đối với những hành khách đi xe buýt trên tuyến số 1 (Sài Gòn – Bình Tây) và tuyến 27 (Bến Thành – Âu Cơ – Bến xe An Sương). Nhược điểm của loại thẻ trả trước này là do thiếu tính liên thông, chỉ sử dụng được ở hai tuyến thí điểm nên hành khách dần xao nhãng, ưu tiên trả tiền mặt hơn. Đến năm 2013, đề án thí điểm trả tiền vé xe buýt qua thẻ trả trước tiếp tục được thực hiện bởi Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM (nay là Trung tâm Quản lý giao thông TP), và dự kiến triển khai trên 121 xe ở 5 tuyến, nhưng cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi. Sau 4 năm từ ngày TP phê duyệt dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP.HCM”, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển kèm theo nhiều tiện ích thanh toán qua thẻ, nên Sở Kế hoạch Đầu tư TP đã yêu cầu Sở GTVT đánh giá lại toàn bộ dự án này.
Tiện lợi cho khách hàng lẫn nhân viên
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, vé điện tử khi đưa vào sử dụng không chỉ giúp cho nhân viên xe buýt kiểm soát vé nhanh, tiết kiệm thời gian, mà còn khắc phục tình trạng gian lận vé, sử dụng vé giả; lưu hành tiền giả, tiền rách; hạn chế tình trạng xếp hàng mua vé tháng… Bên cạnh đó, việc áp dụng vé điện tử cũng giúp cơ quan quản lý dễ dàng thu thập thông tin và đánh giá sản lượng hành khách; thuận tiện trong việc cập nhật nhu cầu thực tế của khách hàng để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp; kiểm soát công tác trợ giá hiệu quả, linh hoạt trong quy hoạch mạng lưới tuyến và triển khai chính sách giá vé nhằm ngày càng thu hút người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng của TP.
Khuyến khích đề án này, ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) lưu ý, trong nghiên cứu triển khai đề án, cơ quan chức năng cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới (thanh toán bằng điện thoại thông minh, thẻ ngân hàng…) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách khi triển khai vé điện tử thông minh. Đồng thời cần chú trọng đến việc tích hợp giữa vé điện tử thông minh xe buýt với hệ thống vận tải khác của TP. Vì một khi áp dụng vé điện tử thông minh cho xe buýt thành công, đến khi tàu điện đi vào hoạt động sẽ có ngay một lượng khách chuyển thẳng từ xe buýt sang bằng vé liên thông, giúp cho đường sắt đô thị sớm bắt nhịp với mạng lưới vận tải công cộng của TP trong tương lai.
Đinh Vũ
Bình luận (0)