Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tiền lẻ cũng biết nói năng…

Tạp Chí Giáo Dục

Vào siêu thị được thối lại một cục kẹo, đi chợ được bo thêm vài cọng hành, tiền lẻ tưởng là rẻ rúng nhưng lại gây rắc rối ở các trạm thu phí BOT… Ít ai biết đồng tiền chính là chủ quyền quốc gia.

Tiền lẻ cũng biết nói năng... - Ảnh 1.

Tiền lẻ, mà phải là tiền mới, lên ngôi là bởi những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước không chủ trương in thêm, từ những đồng mệnh giá 5.000 đồng, 2.000 đồng và nhỏ hơn là 1.000 đồng, 500 đồng…

Và sự giới hạn đó, đồng nghĩa với nguồn cung ra không còn nữa, tiền lẻ trở nên có giá, nhất là vào dịp tết, lễ. Đổi tiền lẻ bạn phải mất phí.

Những tờ giấy bạc mệnh giá 5.000 đồng, nhỏ hơn là 2.000 đồng và 1.000 đồng vẫn được sử dụng phổ biến, kể cả tờ 500 đồng.

Những tờ 200 đồng hầu như ít thấy. Thi thoảng, trong các siêu thị, các cô nhân viên thu ngân vẫn dùng để thối tiền, nhưng thông thường thì coi như bỏ qua.

Riêng mệnh giá 100 đồng dường như biến mất khỏi các quầy thanh toán, có vẻ như nó chỉ còn đâu đó từ các nhà sưu tầm.

Vậy là, giá trị của những tờ tiền này không phải nằm ở mệnh giá mà là sự hiếm hoi do chủ trương hạn chế không in thêm tiền lẻ.

Lý do một phần, đối với việc sản xuất, để in ấn một đồng tiền lẻ, chi phí in ấn tốn kém hơn nhiều so với in các đồng tiền mệnh giá lớn. Chẳng hạn, mấy năm trước, để in được một tờ tiền mệnh giá 500 đồng, chi phí in ấn phải gấp 3-4 lần mệnh giá.

Chẳng hạn, chỉ với việc không in mới tiền lẻ trong dịp Tết từ năm 2013-2017 đã tiết kiệm cho ngân sách được 1.500 tỉ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước.

Riêng tiền xu thì từ lâu dường như thị trường đã chối bỏ một cách bất thành văn, cho dù những đồng tiền này chưa có văn bản nào xác nhận không phải là phương tiện không còn sử dụng để thanh toán nữa.

Rất ít tiền lẻ được sử dụng làm phương tiện thanh toán, một số tiền lẻ được sử dụng trong các hoạt động lễ hội, tết… 

Chỉ khi đến Tết, tiền lẻ mới chứng tỏ vai trò của mình khi những người làm dịch vụ đổi tiền hét giá và người dân cần thiết để xài, từ lì xì đến các phong tục rải tiền ở đền chùa miếu mạo…

Và nay, việc quay lại sử dụng tiền lẻ làm phương tiện thanh toán qua các trạm thu phí BOT từ Cai Lậy (Tiền Giang), Biên Hòa (Đồng Nai), Bến Thủy (Vinh)…

Thậm chí, giới tài xế dù bị mời lên công an làm việc, "tìm hiểu tâm tư", nhưng cuộc chiến tiền lẻ tại các trạm thu phí BOT dường như chưa có tín hiệu dừng. 

Vậy xài tiền lẻ thì có gì không đúng?

Theo Phó giáo sư tiến sỹ Võ Trí Hảo, để khẳng định chủ quyền quốc gia, các nhà nước không chỉ kêu gọi sự công nhận độc lập của cộng đồng quốc tế mà việc phát hành đồng tiền quốc gia là một trong biểu hiện của chủ quyền quốc gia, bên cạnh quốc hiệu, quốc kỳ.

Bởi vậy Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác có chế tài xử phạt hành vi huỷ hoại tiền tệ quốc gia, từ chối chấp nhận thanh toán đồng tiền quốc gia ngay trên chính lãnh thổ quốc gia.

Theo ông Hảo, trước đây Bộ Luật Hình Sự 1985 đã coi hành vi huỷ hoại tiền tệ là tội phạm, còn hiện nay Nhà nước có chủ trương mềm hoá chế tài này và xử phạt vi phạm hành chính.

"Tiền to, tiền bé đều là tiền tệ quốc gia, không ai được phép từ chối chấp nhận thanh toán tiền lẻ. Bởi vậy, nếu từ chối chấp nhận thanh toán tiền lẻ thì đối tượng cần bị xử lý là các siêu thị, trạm thu phí… chứ không phải là người thanh toán", ông Hảo nói.

Theo vị chuyên gia luật này thì đành rằng việc thanh toán bằng tiền lẻ ở các trạm thu phí BOT như Cai Lậy có gây ra hệ quả gián tiếp trước mắt là ùn tắc giao thông.

"Nhưng về mặt pháp lý, công dân, doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và pháp luật hiện nay không có văn bản nào cấm thanh toán bằng tiền lẻ", ông Hảo nhận định.

Tiền lẻ cũng biết nói năng... - Ảnh 2.

 

HOÀNG PHI/TTO

 

Bình luận (0)