Chúng ta không thể phủ nhận quyền năng cũng như những tiêu cực mặt trái của đồng tiền, chắc vì hiểu được tính hai mặt của đồng tiền mà người lớn thường e dè khi cho trẻ tiếp xúc với tiền. Trộm nghĩ, có lẽ bậc làm cha mẹ nào cũng muốn con hiểu được giá trị của tiền bạc, biết cách chi tiêu cho xứng đáng với giá trị của nó.
Dạy con hiểu giá trị của tiền bạc thì phải dạy cách sử dụng tiền ngay từ lúc nhỏ. Vậy thì Tết là thời gian hợp lý nhất để dạy trẻ bài học này vì theo phong tục thì những ngày Tết, trẻ được nhận tiền lì xì như nhận lời chúc tốt lành của người lớn, số tiền ấy có thể lên tới con số vài trăm, một, hai triệu đồng… Nói chuyện tiền lì xì của con, thì những bà mẹ thường có những cách hành xử không giống nhau. Chị Th., bạn tôi ở Hòa Bình chia sẻ rằng, con gái chị học lớp 4, là cháu gái độc nhất bên phía nội nên cô bé được cưng chiều, Tết đến thì được nhận rất nhiều tiền lì xì. Chị không bao giờ lấy tiền mừng tuổi của con nên cô bé thích món đồ chơi nào thì mua món đó… Những món đồ chơi dịp Tết thường bán đắt. Chị lắc đầu than, dù chị cũng có lưu ý con là nên để dành tiền lì xì mua sách vở, bút thước nhưng cô bé không sợ lời nhắc nhở không có sứ mệnh “ra lệnh”. Bé được tự do tiêu tiền lì xì nên hết Tết là hết tiền. Còn chị P. ở Tây Hòa tâm sự: Hai con của chị đang học lớp 4 và 2, trẻ nhỏ thấy tiền lì xì thì ham lắm nên nhận bao lì xì là mở ra kiểm tra liền. Chị bảo, lần đầu tiên thấy cháu làm vậy, chị đã giảng dạy ngay để con hiểu, tiền lì xì chỉ có giá trị về mặt tinh thần, khi nhận tiền mừng thì phải vui vẻ nói “cảm ơn” và phải nhớ rằng, tiền lì xì không có nghĩa muốn tiêu sao cũng được mà phải sử dụng đồng tiền mừng đó sao cho hợp lý, xứng đáng với giá trị của nó. Chị P. nói, chị cho các con toàn quyền sử dụng tiền lì xì nhưng với điều kiện muốn tiêu gì thì phải công khai, hỏi xin cha mẹ. Chị thường khuyến khích con nuôi heo đất, mua sách vở, những dụng cụ hỗ trợ việc học hay làm quà tặng ông bà, anh chị… nhân dịp hiếu hỉ. Đặc biệt, chị không quên dặn con dành một phần để làm từ thiện. Chị P. bảo, đây là lúc phù hợp nhất để dạy con về lòng trắc ẩn, tình thương người. Trong khi đó chị V. ở Hòa Thành kể với tôi rằng, tiền lì xì của con trong dịp Tết chị giữ hết. Con chị đang học lớp 3, chị bảo cháu còn quá nhỏ để giữ tiền. Chị sợ con trai sẽ tiêu tiền vào những việc nguy hại, vô bổ như đi chơi game cùng bạn bè hoặc mua sắm những thứ mà trước đây cha mẹ chưa cho phép mua. Chị quả quyết, như thế cũng giống như mình cho con cơ hội đua đòi, rồi sau này sinh hư hỏng, lãng phí tiền của.
Tôi lại nghĩ thế này, các bậc phụ huynh đừng quá cực đoan, đừng nghĩ trẻ biết tiêu tiền thì đồng nghĩa với đua đòi hư hỏng. Sao chúng ta không mạnh dạn để trẻ giữ tiền, giáo dục để trẻ hiểu giá trị của đồng tiền, định hướng trẻ hiểu cách chi tiêu hợp lí, khuyến khích để trẻ tự lập kế hoạch chi tiêu thì càng tuyệt. Như vậy chẳng phải chúng ta đang dạy trẻ kỹ năng sống chủ động, tự tin sao?
Tóm lại, tiền là một phương tiện để duy trì cuộc sống. Cha mẹ hãy giúp con biết ý nghĩa của đồng tiền và tạo cơ hội để trẻ biết sử dụng tiền hợp lý. Như vậy, Tết là cơ hội tốt nhất để cha mẹ dạy con chi tiêu đúng cách.
Nguyễn Thị
Bình luận (0)